Theo đó, địa điểm triển khai là Trạm kiểm tra tải trọng xe tại khu vực cầu Ông Lớn và khu vực Trạm thu phí An Sương - An Lạc.
Dữ liệu kết quả của trạm kiểm tra tải trọng xe tự động được kết nối với hệ thống quản lý dữ liệu kiểm tra tải trọng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Sau thời gian thí điểm, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả thí điểm để mở rộng phạm vi trên toàn địa bàn.
Mô hình này tương tự như mô hình Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang triển khai thí điểm trên Quốc lộ 5. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến về dự thảo quy trình thí điểm.
Trước đó, từ tháng 11/2020 đến nay, các trạm kiểm tra tải trọng xe tự động tại cầu Ông Lớn và Trạm thu phí An Sương-An Lạc đã được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý cho TP. Hồ Chí Minh triển khai thí điểm xử phạt vi phạm hành chính theo quy trình 1 cấp cân.
Theo Sở Giao thông Vận tải, TP. Hồ Chí Minh có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, đa số các tuyến đường trong đô thị có mặt cắt ngang nhỏ, nên việc bố trí lực lượng dừng xe kiểm tra tải trọng trên đường rất khó khăn.
Nhiều trường hợp các lực lượng chức năng không thể dừng xe dù hệ thống cân sơ cấp đã báo hiệu phương tiện có dấu hiệu vi phạm vì để tránh ùn tắc giao thông.
Hệ thống các trạm kiểm tra tải trọng xe tự động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được lắp đặt và đưa vào hoạt động từ năm 2016 tại 6 vị trí cầu Giồng Ông Tố, cầu Kỳ Hà 1, cầu Ông Lớn (2 trạm theo 2 hướng lưu thông), Trạm thu phí An Sương-An Lạc (2 trạm).
Giai đoạn 2016-2021, thông qua hệ thống các trạm kiểm tra tải trong xe trên địa bàn, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã kiểm tra 7.544 lượt xe, phát hiện và lập biên bản 6.166 trường hợp đối với 3.150 phương tiện vi phạm chở quá tải trọng cho phép, tổng số tiền xử phạt gần 80 tỷ đồng.
Từ tháng 8/2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đưa bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động lắp đặt trên Quốc lộ 5 (chiều Hải Phòng-Hà Nội).
Hệ thống cân điện tử này có thể thực hiện cân tải trọng khi xe ở trạng thái dừng hoặc di chuyển ở vận tốc đến 80km/giờ và chỉ mất từ 3-10 giây, phiếu cân đã có thể được in ra, phục vụ lực lượng chức năng trong việc ra quyết định xử phạt nguội phương tiện vi phạm.
Về công nghệ cân, TP. Hồ Chí Minh sử dụng hệ thống cảm biến thạch anh. Các thiết bị cân tải trọng yêu cầu đáp ứng đầy đủ các quy định về độ chính xác (sai số 5%), tính pháp lý của thiết bị cân (đã được Viện Đo lường Việt Nam kiểm định).
Việc phạt nguội được áp dụng quy trình sử dụng kết quả thu được từ bộ thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cố định để xử phạt vi phạm khi xe, người điều khiển xe và chủ xe không còn ở hiện trường (nơi phát hiện vi phạm).
Nguyễn Tùng