Mục đích của việc ban hành Nghị quyết này, theo UBND TP. Hồ Chí Minh, là để phù hợp với tình hình thực tiễn trong bối cảnh kinh tế suy giảm, giá cả tăng cao, đồng thời kịp thời hỗ trợ, ổn định và chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới cũng như tại Việt Nam.
Theo đó, chính sách này áp dụng cho trẻ em mầm non, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập và ngoài công lập, học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn, không bao gồm học sinh đang học tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
Các đối tượng nhận hỗ trợ được chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 gồm các học sinh tại các trường ở TP. Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân.
Nhóm 2 gồm các học sinh tại các trường ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ.
Cụ thể, trẻ học nhà trẻ được hỗ trợ 100.000 đồng/học sinh/tháng; trẻ mẫu giáo 140.000 đồng/học sinh/tháng (dành cho học sinh thuộc cả 2 nhóm).
Học sinh THCS và học sinh giáo dục thường xuyên THCS thuộc nhóm 1 được hỗ trợ 300.000 đồng/học sinh/tháng; nhóm 2 được hỗ trợ 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Học sinh THPT và học sinh giáo dục thường xuyên THPT thuộc nhóm 1 được hỗ trợ 180.000 đồng/học sinh/tháng; nhóm 2 là 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Chính sách này được áp dụng trong năm học 2023-2024. Dự kiến kinh phí là 1.847 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện từ ngân sách Thành phố theo phân cấp ngân sách hiện hành…
Phong Vân