Trong đó, nguồn bổ sung mới là hơn 2.100 tỷ đồng, gồm bổ sung từ nguồn ngân sách thành phố, các quận, huyện và TP. Thủ Đức cho nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi là 1.669 tỷ đồng, chi cho chính sách hỗ trợ không hoàn lại gần 420 tỷ đồng, kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững các cấp gần 16 tỷ đồng.
Năm 2023, TP. Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu giảm hộ nghèo là 0,38%/tổng số hộ dân; chỉ tiêu giảm hộ cận nghèo là 0,28%/tổng số hộ dân. Trong đó, thành phố chú trọng kéo giảm các chiều, chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt nhất dịch vụ xã hội cơ bản cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống, chất lượng cuộc sống, đảm bảo giảm nghèo bền vững.
Các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của thành phố sẽ được thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tự vươn lên thoát nghèo.
Các địa phương, sở, ngành gắn hoạt động của chương trình giảm nghèo bền vững với hoạt động trung tâm an sinh thành phố; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác rà soát, cập nhật danh sách, giải pháp hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng.
Theo Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP. Hồ Chí Minh, năm 2022, thành phố giảm hơn 16.100 hộ nghèo (giảm 0,64%), giảm hơn 9.700 hộ cận nghèo (giảm 0,38%); đến cuối năm toàn thành phố còn hơn 21.300 hộ nghèo (chiếm 0,84%), 18.068 hộ cận nghèo (chiếm 0,71% tổng hộ dân thành phố).
Hoàng Bách