Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hàng năm giảm 5%-10% ba tiêu chí: số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ một cách bền vững. Tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện môi trường.
Đồng thời, người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, hình thành văn hóa giao thông an toàn. Bên cạnh đó, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Để thực hiện được mục tiêu trên, TP. Hồ Chí Minh rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về an toàn giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý và thi hành pháp luật.
Đồng thời, triển khai cập nhật dữ liệu tai nạn giao thông trên nền bản đồ số giao thông để phục vụ công tác quản lý, phát hiện và xử lý kịp thời các điểm đen điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ. Xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi, các công trình bảo đảm an toàn giao thông cho các đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương.
Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ và các tuyến đường đô thị trọng yếu theo Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030 bảo đảm đạt điều kiện an toàn cao cho tất cả đối tượng tham gia giao thông.
Cùng với đó, kiên quyết lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ và phòng chống tái lấn chiếm. Đối với đường bộ đi song song với đường sắt qua khu vực dân cư cần phải xây dựng hệ thống đường gom, hạn chế đấu nối; phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt hoàn thành việc xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trước năm 2025; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống tự động giám sát giao thông tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ với đường sắt.
Đồng thời, đẩy nhanh phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, xây dựng lộ trình hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Mặt khác, xây dựng lộ trình để yêu cầu các nhà sản xuất, lắp ráp, các tổ chức và cá nhân sử dụng phương tiện ô tô có trang bị các hệ thống cảm biến, cảnh báo va chạm với người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông khác, hệ thống tiếp nhận thông tin về tuyến đường và các hệ thống, thiết bị an toàn hiện đại khác. Kiên quyết loại bỏ xe cơ giới hết niên hạn sử dụng theo quy định, xe tự chế ba, bốn bánh thuộc diện không được tham gia giao thông.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Lắp đặt bổ sung hệ thống camera quan sát giao thông, các phần mềm ứng dụng công nghệ tự động để nhận diện, phát hiện lỗi vi phạm trên hệ thống đường bộ cao tốc, đường đô thị và trên các tuyến quốc lộ trọng điểm. Thường xuyên, liên tục thực hiện chiến dịch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy.
Nguyễn Tùng