Theo nhiều chuyên gia, khi 2 dự án này hoàn thiện, TP. Thuận An không chỉ trở thành một cửa ngõ quan trọng nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên mà còn tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các khu công nghiệp, khu dân cư và dịch vụ. Mạng lưới giao thông hiện đại sẽ giúp giảm thiểu chi phí logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các khu công nghiệp lớn tại TP. Thuận An cũng sẽ kéo theo nhu cầu tăng cao về nhà ở và dịch vụ, tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư bất động sản.
Đáng chú ý, với sự xuất hiện của các dự án hạ tầng trọng điểm, giá trị bất động sản tại TP. Thuận An dự báo sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2025 - 2026. Những khu vực gần các tuyến giao thông chính và các trung tâm hành chính sẽ là điểm nóng thu hút các nhà đầu tư bất động sản.
Với vị trí chiến lược và đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, TP. Thuận An đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản. Đây là thời điểm lý tưởng để các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội và phát triển bền vững trong thị trường đầy tiềm năng.
Cụ thể, Quốc lộ 13 là tuyến đường huyết mạch kết nối TP. Hồ Chí Minh với Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh vùng Tây Nguyên. Tuyến đường này đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, giao thương và kết nối các khu vực kinh tế lớn.
UBND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định mở rộng quốc lộ 13 với tổng vốn đầu tư khoảng 13.851 tỷ đồng. Dự án sẽ chính thức khởi công vào ngày 30/4/2025 và dự kiến hoàn thành vào năm 2027 - 2028.
Khi hoàn tất, dự án sẽ không chỉ giúp giảm tải tình trạng tắc nghẽn mà còn nâng cao khả năng kết nối giao thông giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, đặc biệt là Bình Dương. Đồng thời mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển các khu đô thị, công nghiệp và bất động sản tại TP. Thuận An – nơi giáp ranh TP. Hồ Chí Minh.
Cùng với việc mở rộng quốc lộ 13, Bình Dương cũng đang đẩy mạnh triển khai dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, dự kiến khởi công vào quý 1/2025 ngay sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Cao tốc có chiều dài 55km, đoạn qua Bình Dương dài 46km, tổng vốn đầu tư lên tới 17.400 tỷ đồng.
Khi hoàn thành, cao tốc sẽ kết nối trực tiếp TP. Hồ Chí Minh với khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam bộ, giúp giảm thiểu thời gian di chuyển và tạo ra một mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, tuyến cao tốc này kết nối với cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, tạo ra sự liên kết thông suốt giữa các khu vực kinh tế quan trọng.
Đây cũng là tuyến cao tốc đầu tiên đi qua Bình Dương, mang lại động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế của địa phương này. Đồng thời, các khu công nghiệp, nhà ở và khu thương mại sẽ nhận được sự thúc đẩy mạnh mẽ nhờ vào sự thay đổi trong hệ thống hạ tầng giao thông. Ngoài ra, tỉnh Bình Phước cũng đã bắt đầu triển khai xây dựng 7km của tuyến cao tốc này với tổng mức đầu tư 1.474 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2026…
Hoàng Bách(t/h)