9h sáng 30/5, nhận được phản ánh, trước cổng Trường mầm non Hoa Sen, nằm trên đường Lê Hồng Phong, phường Hưng Bình, TP. Vinh (Nghệ An), có một nhóm 5 người sử dụng ô tô tải, máy múc, dao, cưa máy đang tiến hành chặt hạ cây xanh. Phóng viên Thương hiệu & Công luận đã có mặt tìm hiểu và qua đó ghi nhận, 2 cây phượng vĩ được trồng thẳng hàng và đối xứng nhau đã bị đốn ngã, mỗi cây có đường kính thân 20-30cm, cao 7-9m. Thân, cành cây còn xanh tươi, ứ nhựa được nhóm người dắt dao bên hông, tay vác cưa máy xẻ thành nhiều khúc, rồi tấp vội lên ô tô đã đậu sẵn ở gần đó. Gốc 2 “cụ” phượng vĩ cũng bị đào, khoét sâu rồi đưa đi. Công việc cứ thế diễn ra nhanh chóng, thoáng chốc hơn 1 tiếng đồng hồ đã xong mọi việc. Khi nhóm công nhân này rời đi, để lại trên vỉa hè 2 hố sâu hoắm, nằm trơ trọi giữa lòng hè phố.

2 cây Phượng vĩ trước cổng trưởng mầm non Hoa Sen đã bị đốn hạ, đào gốc đưa đi (Ảnh: Hoàng Linh, chụp sáng 30/5)Hai cây Phượng vĩ trước cổng Trường mầm non Hoa Sen bị đốn hạ, đào gốc, xẻ thành nhiều khúc rồi vận chuyển đi nơi khác (Ảnh: Hoàng Linh, chụp vào sáng 30/5)

“Cây phượng giúp tỏa bóng, che mát cũng như mang nhiều ký ức của biết bao thế hệ cô cậu học trò, có giá trị nhiều mặt. Hai cây đó nằm trên vỉa hè, ngoài khuôn viên trường Hoa Sen. Hơn nữa, tuy hơi ít lá và hoa so với mọi năm, nhưng hàng cây vẫn xanh tốt, chưa có dấu hiệu chết, đổ gãy, sao nhà trường lại chặt đi?”, một người dân sống gần đó cho biết.

Giúp giải đáp những băn khoăn, lo lắng trên, chiều 3/6/2020, PV đã có cuộc trao đổi với cô Nguyễn Hồng Vân, Hiệu trưởng mầm non Hoa Sen. Cô Vân khẳng định, 2 cây phượng vĩ trước kia nằm trong khuôn viên nhà trường. Năm 2016, thực hiện chủ trương, ban giám hiệu nhà trường đã nhất trí cho xê dịch cổng, lùi vào trong theo đúng quy hoạch của thành phố, và để thẳng hàng với cổng đơn vị Kiểm lâm bên cạnh. Do đó, 2 cây này chỉ trồi ra phía ngoài, sống trên vỉa hè đường Lê Hồng Phong đến nay, vẫn thuộc đơn vị quản lý. Còn việc nói cây phượng vĩ đang xanh tốt, nhưng vẫn bị chặt hạ là không đúng. Bởi trước khi chặt, chúng tôi đã được bộ phận chăm sóc và bảo vệ cây có kinh nghiệm lâu năm tư vấn, sau đó khảo sát, họp bàn, thống nhất trước khi ra quyết định cuối cùng.

2

ddddddddddddddHai "cụ" Phượng vĩ tuy có phần ít lá và hoa so với mọi năm, thân cây cũng xuất hiện một vài chỗ bọng, mục nhưng vẫn xanh tốt (Hình ảnh do cô Nguyễn Hồng Vân, Hiệu trưởng mầm non Hoa Sen cung cấp)

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc xin được tiếp cận hồ sơ, quy trình chặt cây của nhà trường, cô Vân thừa nhận còn nhiều thiếu sót. “Chúng tôi nhận thấy việc chặt cây già yếu, mục rỗng gốc để thay thế cây mới là phù hợp. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều thiếu sót. Việc chưa có quyết định chấp thuận từ thành phố và các cơ quan chức năng liên quan, nhưng đơn vị vẫn tự thuê người chặt hạ cây là không đúng. Chúng tôi xin được nhận lỗi và rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Trước đó, xoay quanh những vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng KH-KT (Công ty CP Công viên cây xanh TP. Vinh) cho biết, hiện nay công ty được giao quản lý hơn 100 nghìn cây xanh, trong đó khoảng 35.000 cây nằm trên các tuyến đường, phố. Các loại cây xanh trong khuôn viên trường học thành phố không thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị, mà do từng nhà trường phụ trách, dưới sự giám sát của thành phố. Việc trường Hoa Sen không thực hiện báo cáo với thành phố, mà tự ý chặt cây là sai quy trình. Nếu số cây đó già yếu, mục rỗng thân rễ, nguy cơ đổ gãy cao thì cũng nên thông cảm. Còn nếu cây đang xanh tốt, phát triển bình thuờng thì việc làm này chưa đúng quy định.

Như nhiều cơ quan báo chí đưa tin, sau sự việc một cây phượng trong trường học ở TP. HCM bật gốc làm một số học sinh thương vong, nhiều trường học trên cả nước đã lo lắng chặt cây, tỉa cành. Trước tình trạng này, về trách nhiệm quản lý tại địa phương, GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An cho biết sẽ chỉ đạo các trường không được chặt cây khi không có lý do chính đáng.

Hoàng Linh