THCL - Cùng với các nước khác trong APEC, Nga và Trung Quốc nhất trí thúc đẩy một khu vực mậu dịch tự do mới thay cho TPP…

Trung Quốc và Nga sẽ cùng nhau thúc đẩy một khu vực mậu dịch tự do ở châu Á-Thái Bình Dương, hãng tin Bloomberg dẫn một tuyên bố sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/11 tại thủ đô Lima của Peru.

TPP bị dừng, Nga-Trung tính lập thỏa thuận thế chân - Hình 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Lima, Peru ngày 19/11 - Ảnh: News.cn.

Đây là cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tuyên bố sau cuộc gặp cho biết ông Tập và ông Putin đã nhất trí thường xuyên liên lạc.

Lời kêu gọi về tự do thương mại trong khu vực được Trung Quốc và Nga đưa ra trong bối cảnh tâm lý chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở Mỹ sau chiến thắng của ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Việc ông Trump đắc cử đang đặt ra nguy cơ trệch hướng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận không có sự tham gia của Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu hôm thứ Bảy tại hội nghị thượng đỉnh APEC, ông Tập cam kết sẽ thúc đẩy thương mại và hợp tác toàn cầu bằng cách mở rộng hơn nữa cánh cửa của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và trao quyền tiếp cận lớn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuyên bố chung của 21 quốc gia thành viên APEC khép lại hội nghị thượng đỉnh thường niên kéo dài 2 ngày cuối tuần vừa rồi đã kêu gọi chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại, đồng thời cam kết thúc đẩy một thỏa thuận thương mại mới bao gồm tất cả các thành viên trong khối nhằm đạt tới “sự tăng trưởng bền vững, cân bằng, và cho tất cả các nước”.

“Chúng tôi tái khẳng định cam kết duy trì thị trường mở và chống lại tất cả mọi dạng của chủ nghĩa bảo hộ”, tuyên bố có đoạn viết.

Trong cuộc họp báo cuối cùng ở nước ngoài trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama nói các thỏa thuận tự do thương mại như TPP là cách để giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập và tạo việc làm.

“Về thương mại, tôi tin câu trả lời là không lùi bước. Câu trả lời là thực thi thương mại một cách đúng đắn, đảm bảo các tiêu chuẩn mạnh về lao động và môi trường. Đó là cách để người lao động và người dân bình thường có thể được hưởng lợi thay vì chịu tác động bất lợi từ thương mại toàn cầu”, ông Obama nói.

Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm cũng nói rằng nếu Mỹ ngừng thúc đẩy TPP, thì điều đó sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lãnh đạo một số quốc gia khác tham dự APEC cho biết họ có thể sẽ tìm cách điều chỉnh TPP để khiến thỏa thuận này trở nên hấp dẫn hơn đối với Tổng thống đắc cử của Mỹ, hoặc tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận này mà không có Mỹ. 

Tuy vậy, như đã đề cập ở trên, tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh APEC lần này kêu gọi thúc đẩy một khu vực tự do thương mại gồm 21 nước trong APEC. Đây chính là thỏa thuận mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra ý tưởng, với tên gọi Khu vực Tự do thượng mại châu Á-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết ông vẫn giữ một suy nghĩ cởi mở về ông Trump, người đã đe dọa phá bỏ Thỏa thuận Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Canada, Mỹ, và Mexico.

“Chúng tôi sẽ không vội đưa ra bất kỳ kết luận nào về việc chính quyền sắp tới của Mỹ thực sự sẽ làm gì. Họ đã tuyên bố về nhiều thứ, nhưng chúng ta đều hiểu rằng thương mại là tốt cho tầng lớp trung lưu”, ông Trudeau nói.

Bình Minh - vneconomy