Trích lập dự phòng rủi ro từ lợi nhuận sau thuế: Gián tiếp tác động đến nền kinh tế - Hình 1

BIDV cho rằng, một số quy định tại Dự thảo Luật về thuế thu nhập DN còn chưa thỏa đáng

Đây là một trong những vướng mắc liên quan đến chính sách thuế trong xử lý nợ xấu vừa được doanh nghiệp phản ánh tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục thuế, hải quan năm 2017 tổ chức ngày 27/11.

Bà Lưu Tuyết Mai, Phó Giám đốc Ban Tài chính thuộc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được gửi đi xin ý kiến các đơn vị có nội dung: Ngân hàng và các tổ chức tín dụng (TCTD) trích lập dự phòng theo quy định chỉ được tính một tỷ lệ nhất định vào chi phí hợp lệ khi xác định thuế TNDN.

BIDV nhận thấy quy định này chưa thỏa đáng bởi nhiều nguyên nhân. Một là, việc trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) là theo quy định của Nhà nước và đảm bảo doanh nghiệp có nguồn tài chính phù hợp để xử lý trong trường hợp phát sinh rủi ro. Do đó, việc chỉ được tính một phần chi phí trích lập DPRR (theo tỷ lệ quy định tại Dự thảo) vào chi phí hợp lý khi xác định thuế TNDN là chưa phù hợp.

Hai là, nguồn trích lập DPRR của ngân hàng được hiểu sẽ lấy từ lợi nhuận sau thuế của ngân hàng. Điều này dẫn tới thiếu chủ động cho các ngân hàng do việc trích lập DPRR phải thực hiện định kỳ trong năm, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chỉ được xác định sau khi kết thúc năm tài chính.

Đồng thời, lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ theo quy định cũng sẽ phải chia cổ tức cho các cổ đông – chuyển trả về Nhà nước theo quy định. Theo đó, sẽ không tạo được sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc phân bổ nguồn lực và đảm bảo nguồn tài chính phù hợp phục vụ xử lý rủi ro tại ngân hàng, ảnh hưởng đến công tác xử lý nợ xấu theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Thêm vào đó, số trích DPRR của ngân hàng thường là số lớn (hàng nghìn tỷ đồng) nên nếu lấy từ lợi nhuận sau thuế sẽ ảnh hưởng đến cổ tức của các cổ đông (trong đó có cổ đông nhà nước). Trong điều kiện các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối có lợi nhuận lớn – các huyết mạch của nền kinh tế, hàng năm đóng góp nhiều nghìn tỷ đồng lợi nhuận, thì việc trích DPRR từ lợi nhuận sau thuế sẽ có tác động đến nền kinh tế nói chung.

Do đó, BIDV cũng đề xuất bỏ nội dung này khỏi Dự thảo Luật sửa đổi về thuế TNDN.

Ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, liên quan đến trích lập DPRR, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung về thuế TNDN để đưa ra quy định phù hợp.

Hưng Khánh