Thực hiện Kế hoạch số 33-KH/TU ngày 16/8/2021 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, hằng năm, BCĐ CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã ban hành kế hoạch về thực hiện CVĐ gắn với các hoạt động giới thiệu, kết nối, tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên địa bàn tỉnh, để thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, phân phối, tiêu dùng đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP...
Cấp ủy, chính quyền, BCĐ các cấp đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa trong nước, trong tỉnh tạo ra không gian giao lưu để các doanh nghiệp (DN) phân phối và DN sản xuất hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong tỉnh, đặc biệt là các nông sản, đặc sản của các địa phương.
Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm giới thiệu hàng Việt, sản phẩm OCOP của tỉnh; hình thành các kênh phân phối hàng Việt ở các địa phương, góp phần đưa hàng Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, xây dựng nền thương mại văn minh hiện đại...
Tăng cường chỉ đạo các giải pháp thực hiện chương trình bình ổn thị trường, góp phần phát triển hệ thống phân phối, giúp người dân tiếp cận được hàng Việt, sản phẩm hàng hóa của tỉnh đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý; tổ chức các hoạt động khích lệ, hỗ trợ tăng thêm động lực cho các DN Việt như: chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, hội thi “Người tiêu dùng thông minh”...
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2014 đến nay, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh duy trì tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa thường niên; quy mô tổ chức 2 - 3 hội nghị, 100 - 260 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm mỗi năm, thu hút 100% các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và trên 150 DN, HTX, cơ sở sản xuất trong, ngoài tỉnh tham gia, có từ 15 - 30 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ nông sản được ký kết.
Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa còn phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ từ 30 - 50 DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức để kết nối tiêu thụ nông sản, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Việc đẩy mạnh thực hiện CVĐ gắn với các hoạt động giới thiệu, kết nối, tiêu thụ hàng hóa, nông sản giúp nhiều DN, HTX mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 180 DN, 11 HTX và gần 150 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, sản phẩm OCOP đã thực hiện quảng bá và bán hàng nông sản thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử: Tiki, Lazada, Postmart.vn, Voso.vn... với trên 50 sản phẩm khác nhau.
Sản phẩm tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử ước tính đạt khoảng 25 - 30% sản lượng bán hàng của các DN. Hiện toàn tỉnh đã có 36 DN xuất khẩu các sản phẩm nông sản, với các mặt hàng: tinh bột sắn, dưa chuột đóng hộp, dứa đóng hộp, bột cá, ngao đông lạnh, chả cá surimi... Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt từ 190-300 triệu USD...
Trước đó, vào ngày 6/7/2024, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2009-2024.
Theo đó, qua 15 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa” đã được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể và đông đảo các doanh nghiệp, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần khẳng định năng lực sản xuất, kinh doanh, phân phối của các doanh nghiệp và doanh nhân Thanh Hóa.
Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong tỉnh, trong nước. Đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp và giới kinh doanh nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp, vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh, trong nước và quốc tế.
Ban chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các ban, ngành, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo những chuyển biến tích cực về nhận thức, sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo nhân dân, làm thay đổi hành vi, thói quen, văn hóa tiêu dùng của người dân.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên thị trường nội địa, định hướng người tiêu dùng để tăng sức tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Việc tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa trong tỉnh tạo ra không gian giao lưu để các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong tỉnh, đặc biệt là các nông sản, đặc sản của các địa phương trong tỉnh được ban chỉ đạo các cấp quan tâm.
Kênh phân phối hàng Việt ở các địa phương đã góp phần đưa hàng Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng, xây dựng nền thương mại văn minh hiện đại...
Hoài Thu