Chia sẻ với PV, ông Trần Đức Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Triệu Sơn (Triso Group) cho hay, ngay từ những ngày đầu thành lập, Triso đã lựa chọn hướng đi riêng, đó là kế thừa và phát triển tinh hoa của nền y học cổ truyền dân tộc, khai thác thế mạnh nguồn dược liệu trong nước kết hợp với công nghệ bào chế hiện đại, tạo ra những dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt.
Các sản phẩm của Triso Group như: Ancan, Ancan Fucoidan, Nutri Ancan, An Giáp, An Nữ, các sản phẩm Sâm Báo Triso sau khi xuất hiện trên thị trường đã nhanh chóng tạo được niềm tin với khách hàng. Đồng thời, được giới chuyên môn đánh giá cao ở 3 yếu tố: chất lượng – an toàn – hiệu quả.
Với tư tưởng “làm thật sẽ bền”, Triso đã kiên định với việc sử dụng nguồn dược liệu sạch để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Ngoài việc tìm tòi nguồn nguyên liệu quý từ Nam ra Bắc, Triso còn ứng dụng công nghệ cao để nuôi trồng nguồn dược liệu đạt chuẩn như: Nghệ vàng, rau má, sâm báo tại Thanh Hóa; xạ đen tại Hòa Bình….
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác, Trisco Group cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Theo ông Trần Đức Minh, rào cản đầu tiên là quy hoạch đất đai. Việc quy hoạch đất đai cho sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, thời gian thuê đất sử dụng ngắn hạn, trong khi vốn đầu tư lại khá lớn, tỷ lệ rủi ro trong quá trình sản xuất lại không hề nhỏ. Điều này khiến các doanh nghiệp không dám mạo hiểm, thậm chí, với kỹ thuật canh tác cũ, lạm dụng phân bón hóa học nhiều năm khiến đất bạc màu, cằn cỗi…Doanh nghiệp tiếp cận được quỹ đất mất rất nhiều thời gian và nhân công để cải tạo.
Thứ hai, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay. Để phát triển vùng dược liệu theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đầy đủ như: Hệ thống tưới nước, phun sương, phân bón tự động hóa…đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, đầu tư lâu dài. Trong khi đó, chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao với thủ tục rườm rà, với tiêu chí theo định tính, thiếu định lượng…. khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay.
Ba là, khó khăn về khoa học công nghệ trong sản xuất. Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Dự án phát triển cây Sâm Báo (tại Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc) cho Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn (trực thuộc Triso Group). Thời gian đầu triển khai gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhân giống và chăm sóc cây Sâm Báo. Nhiều loại sâu bệnh, các loại thuốc hữu cơ đặc trị khó tìm khiến cây Sâm Báo chết hàng loạt.
Thứ tư, rào cản về thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm nông sản theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu thụ trên thị trường còn hạn hẹp, khả năng cạnh tranh kém. Nguyên nhân, do nhiều loại nông sản mới chưa có thương hiệu, giá bán còn cao so với mức thu nhập của người tiêu dùng.
Để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thực hiện và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Minh cho rằng, cần tháo gỡ những rào cản mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Xác nhận quyền tài sản trên đất nông nghiệp như nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu…để doanh nghiệp có cơ sở tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.
Về đất đai, để các doanh nghiệp tiếp cận đất thuận lợi, địa phương cần đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa để hình thành nên các cánh đồng mẫu lớn. Đồng thời, Nhà nước cần đơn giản thủ tục thuê, chuyển nhượng đất đai…
Về khoa học công nghệ, ưu tiên nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học, nhân tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về thị trường tiêu thụ, cần xây dựng thương hiệu cho nông sản, đầu tư chuyển dần sang chế biến, giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ lệ xuất khẩu tinh để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Thái Bình