Theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh Thái Bình, trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục QLTT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh.
Đặc biệt, trong tháng 5/2024, lãnh đạo Cục cùng các phòng chuyên môn nghiệp vụ đã làm việc với các đội QLTT, ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động công vụ và đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu thi đua năm 2024.
Cục QLTT tỉnh thực hiện việc giám sát, nắm địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình thị trường, cung, cầu và giá cả thị trường trên địa bàn để đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý những vấn đề gây bất ổn thị trường; tổ chức kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực giá nhất là đối với các mặt hàng thuộc nhóm bình ổn giá;… Chú trọng tuyên truyền phố biến kiến thức pháp luật và ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Cử công chức tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành theo chỉ đạo của chính quyền địa phương và đề nghị phối hợp của các ngành.
Cục QLTT tỉnh duy trì đường dây nóng của Ban chỉ đạo 389/ĐP tỉnh và trên trang Wesibe của Cục để tiếp nhận phản ánh của nhân dân tố giác về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thông qua các cuộc họp giao ban hàng tháng, lãnh đạo Cục QLTT luôn sát sao đôn đốc lãnh đạo các đội QLTT nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị; chỉ đạo, quán triệt công chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, số vụ thanh tra, kiểm tra, số vụ xử lý theo thẩm quyền của quản lý thị trường là 479 vụ, giảm 67 vụ so với 6 tháng đầu năm 2023. Tổng số vụ vi phạm đã xử lý là 340 vụ bằng 365 hành vi (giảm 93 vụ so với 6 tháng đầu năm 2023. Tổng số tiền nộp NSNN là 1.939.270.000 đồng, giảm 194.627.641 đồng so với 6 tháng đầu năm 2023;
Tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu gồm: Hàng hóa tang vật bị tịch thu, xử lý theo hình thức bán trị giá 72.350.000 đồng. Hàng hóa tang vật tịch thu đang chờ xử lý trị giá 550.141.000 đồng.
Hàng hóa tang vật tịch thu 6 tháng đầu năm 2024 gồm: 5.415kg vải, 80 lọ nước hoa, 1000 chiếc áo chống nắng, 25 chiếc máy làm khô quần áo, 870 chiếc ốp điện thoại, 140 chiếc tai nghe điện thoại, 200 chiếc kính dán cường lực, 296 cái phụ tùng xe điện các loại, 77 món phụ tùng xe máy các loại, 335 bộ quần áo, 07 chiếc điện thoại di động đã qua sử dụng. Tổng trị giá hang hoá tịch thu là 361.555.000 đồng.
Hàng hoá buộc tiêu huỷ 6 tháng đầu năm 2024 gồm: 9 sản phẩm dùng trong thuốc lá điện tử, 129 mặt nạ dưỡng ẩm; 7.089 sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn gồm chân gà, đùi gà, cánh gà; 148 chiếc áo giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc và 24 gói bột ngọt giả mạo nhãn hiệu. Tổng trị giá hàng hoá buộc tiêu huỷ là 35.520.000 đồng.
Từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/6/2024, Cục QLTT Thái Bình đã thực hiện thiết lập hồ sơ kiểm tra, xử lý trên hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS). Tính đến thời điểm hiện tại, số liệu chi tiết thực hiện qua hệ thống báo cáo điện tử phù hợp so với thực tế theo số liệu báo cáo như trên.
Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389/ĐP tỉnh, Cục QLTT đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành Trung ương về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tham mưu Ban Chỉ đạo 389/ĐP xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2024; tham mưu kiện toàn thành viên; thực hiện tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất đúng quy định. Tiếp tục duy trì trực đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh để tiếp nhận phản ánh của nhân dân tố giác về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Quỳnh Nga(t/h)