Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, tháng 7/2019,Việt Nam phải nhập hơn 1,44 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ từ các nước. Kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc về Việt Nam đạt hơn 20,5%, lớn nhất. Các thị trường có giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng mạnh là: Italy (tăng 69,2%), Lào (tăng 47,6%) và Trung Quốc (tăng 12,7%). Ngược lại, thị trường có giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm mạnh nhất là Campuchia (giảm 62,3%).
Ở chiều ngược lại, giá trị xuất khẩu mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt hơn 5,66 tỷ USD trong 7 tháng qua, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc là nước nhập khẩu chủ yếu gỗ, sản phẩm từ gỗ của Việt Nam với gần 80%.
Ảnh minh họa
Thời gian qua, doanh nghiệp tại Việt Nam (trong đó có doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông) nhập khẩu lượng lớn gỗ, sản phẩm gỗ thành phẩm và bán thành phẩm từ Trung Quốc, sau đó về Việt Nam chỉ gia công thô sơ hoặc không gia công, xuất khẩu trực tiếp sang các nước khác (trong đó có Mỹ).
Việc này khiến Việt Nam trở thành bàn đạp, chỗ ẩn nấp của mặt hàng gỗ từ Trung Quốc né thuế của Mỹ, khiến nguy cơ Việt Nam bị phía Mỹ điều tra, áp thuế, ảnh hưởng đến ngành gỗ Việt Nam và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Hiện chính sách của Chính phủ Việt Nam có hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp tại Việt Nam mua nguyên liệu trong nước, chế biến sau, tạo giá trị gia tăng trong nước. Lợi dụng chính sách này, các doanh nghiệp nhập gỗ Trung Quốc, nhưng khai báo nhập trong nước để được hưởng hoàn thuế số tiền từ vài tỷ đến cả chục tỷ đồng ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam. Điều đó giúp chính thức mở ra các thị trường mới mà lâu nay mức thuế nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam còn khá cao như Canada, Mexico, Peru…
Việt Nam cũng đang kỳ vọng ký kết cả hai Hiệp định Đầu tư và Hiệp định Thương mại tách từ Hiệp định Thương mại tự do VN - EU (EVFTA) vào quý I/2019. Các hiệp định thương mại tự do này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ngành chế biến gỗ Việt Nam.
Tuy nhiên, chính những lợi thế này cũng có nguy cơ biến Việt Nam trở thành nơi tiếp tay cho cho hành vi lẩn tránh thuế của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra quyết liệt.
Để ngăn chặn hành vì này, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương rà soát: Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI; Dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng như từ Trung Quốc vào Việt Nam, nhằm xác định các rủi ro về gian lận thương mại.
Hằng Vương