Năm 2021, phát huy truyền thống vẻ vang “Đi trước mở đường”, toàn ngành tuyên giáo đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Trong đó, tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII tới gần 8.000 điểm cầu và hơn 1 triệu đảng viên được trực tiếp nghe. Cùng với đó, tiếp tục làm sâu sắc thêm và đổi mới về nội dung, phương pháp và quyết liệt hơn trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Năm 2022, toàn ngành tuyên giáo sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa các quan điểm Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII gắn liền với các nghị quyết Trung ương, nhất là hội nghị Trung ương 4 của Đảng, các phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư tại các hội nghị toàn quốc, kể cả hội nghị của Chính phủ, của Đảng, của Mặt trận Tổ quốc, của Nội chính, của đối ngoại, đặc biệt là tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa, làm sao tạo sự thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cũng như nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ 2022.

PV: Thưa ông, có thể thấy trong năm 2021 vừa qua, phát huy tinh thần truyền thống vẻ vang “Đi trước mở đường” ngành tuyên giáo đã triển khai thực hiện rất nhiều những nhiệm vụ cũng như đổi mới phương thức hoạt động và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vậy, theo ông đâu là những nét nổi bật của công tác tuyên giáo trong năm 2021 vừa qua?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Trong năm qua, phát huy truyền thống 91 năm của ngành tuyên giáo “Đi trước mở đường”, cán bộ và công nhân viên của toàn ngành Tuyên giáo nói chung, cũng như Ban Tuyên giáo Trung ương đã nỗ lực, phấn đấu, thể hiện tinh thần kiên định, kế thừa, đổi mới, phát triển sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ.

Nổi lên, trước, trong và ngay sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương đã kịp thời tham mưu về công tác tuyên truyền. Nhất là chúng ta đã mở được đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng và nhân dân suốt quá trình góp ý cho Đảng để chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII. Trong quá trình thông tin, tuyên truyền trong Đại hội XIII, đặc biệt, ngay sau Đại hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo việc chủ động, quán triệt, học tập và triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII đến toàn Đảng và Nhân dân.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Lần đầu tiên, chúng ta tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII tới gần 8.000 điểm cầu và hơn 1 triệu đảng viên được trực tiếp nghe. Điểm thứ hai, xoay quanh việc mà chúng ta tiếp tục làm sâu sắc thêm và đổi mới về nội dung, phương pháp và quyết liệt hơn trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc tiến hành Sơ kết Chỉ thị 05, cũng làm chặt chẽ và thông qua hình thức sơ kết trong toàn quốc.

Thứ ba, xoay quanh việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, nhất là những điểm mới, những nội dung cốt lõi của văn kiện Đại hội lần thứ XIII trên tất cả các lĩnh vực, như lĩnh vực về phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng, an ninh đối ngoại và đặc biệt là những điểm mới về công tác xây dựng Đảng.

Một điểm nữa, chúng ta đã cụ thể hóa các quan điểm mới của Đảng trong những chương trình cụ thể. Trong đó, năm nay chúng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trì, để lại tình cảm, sự quan tâm sâu sắc đối với cán bộ đảng viên và nhân dân. Trong hội nghị đó, chúng ta đã đưa ra những thông điệp rất mới mẻ về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam.

Một điểm mới nữa là mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như thế, nhưng ngành Tuyên giáo phối hợp với các Ban, ngành đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế và giao lưu quốc tế. Cùng với đó, chúng ta cũng đã có đổi mới về thông tin tuyên truyền, đối ngoại và thông tin biển đảo để nhân dân ở nước ngoài và bạn bè hiểu và ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, nhất là trong thời kỳ mà chúng ta nỗ lực phấn đấu vượt qua dịch bệnh Covid-19.

PV: Dịch bệnh Covid-19 được dự báo còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Ông có thể chia sẻ về vai trò cũng như trách nhiệm của ngành Tuyên giáo trong năm 2021 và 2022 ?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Dịch bệnh Covid- 19 là một trong những nhân tố an ninh phi truyền thống có tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng tiêu cực nhiều mặt đối với quốc tế, khu vực và Việt Nam. Trong đó, Tuyên giáo phải đi trước mở đường, coi đây là nhiệm vụ mà cả hệ thống chính trị và nhân dân tiếp tục đồng hành.

Chúng ta phải nhận diện, nhận thức rõ hơn về tính chất của dịch bệnh, những quan điểm của Đảng, Chính phủ và những giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Công tác tuyên giáo, nhất là công tác thông tin tuyên truyền, hoạt động báo chí của chúng ta phải chủ động hơn, kịp thời hơn, linh hoạt hơn. Đồng thời, thông tin đầy đủ hơn để nhân dân hiểu rõ, nhất trí cao và cùng nhau thực hiện. Cùng với đó, chúng ta cũng phải đẩy mạnh việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, cơ hội chính trị tìm cách vu khống, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong quá trình phòng, chống dịch bệnh để tạo lập lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh tốt hơn. Và chúng ta thể hiện tinh thần tương thân tương ái, gắn kết tình đồng bào ở mọi miền đất nước trong trận tuyến phòng, chống dịch bệnh ngày càng tốt.

PV: Bên cạnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, có thể thấy tình hình thế giới trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều sự thay đổi. Vậy nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Tuyên giáo sẽ tập trung trong năm mới 2022 là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Ban Tuyên giáo Trung ương cũng như toàn ngành tuyên giáo sẽ tập trung, tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa các quan điểm Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII gắn liền với các nghị quyết Trung ương, nhất là hội nghị Trung ương 4 vừa rồi, và các phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư tại các hội nghị toàn quốc, kể cả hội nghị của Chính phủ, của Đảng, của Mặt trận Tổ quốc, của Nội chính, của đối ngoại, đặc biệt là tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa của chúng ta. Làm sao tạo sự thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cũng như nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ 2022.

Thứ hai, Hội nghị Trung ương 4 có kết luận về tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, trong đó lĩnh vực tuyên giáo rất nhiều các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, Chúng ta thể hiện đồng bộ với tinh thần quyết liệt hơn, đổi mới hơn nữa trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, về tư tưởng, đạo đức, về đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ gắn liền với thực hiện tốt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa và hiệu quả hơn nữa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Về công tác lý luận tư tưởng, năm nay Ban Tuyên giáo Trung ương cũng sẽ tập trung vào làm rõ hơn quan điểm mới, tư duy mới của Đại hội lần thứ XIII. Việc này, sẽ tiếp tục phối hợp với Hội đồng lý luận Trung ương và các cơ quan để làm sáng tỏ về chủ nghĩa xã hội và con đường chủ nghĩa xã hội cũng như là tầm nhìn của chúng ta cho đến 2030-2045.

Đối với công tác báo chí, chúng ta sẽ tiếp tục sơ kết, rút kinh nghiệm, triển khai có hiệu quả hơn chủ trương của Đảng cũng như đề án của Chính phủ về quy hoạch, quản lý, phát triển báo chí. Nhất là xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp và nhân văn, hiện đại. Đặc biệt, chúng ta chủ động hơn và sâu sắc hơn, để nắm bắt dư luận, kịp thời định hướng dư luận, thông tin chủ động, tích cực, đầy đủ, đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong công tác khoa giáo, quyết tâm năm nay nâng tầm trong công tác tham mưu về các lĩnh vực khoa giáo, nhất là những lĩnh vực mà nhân dân quan tâm như lĩnh vực tri thức, văn học nghệ thuật, những vấn đề xã hội đặt ra sau thời kỳ hậu Covid-19  và những vấn đề về y tế, giáo dục cũng phải làm tham mưu cho Đảng, chính sách về chủ trương kiểm soát và đẩy mạnh tuyên truyền trong thời kỳ mới.

Và nhiệm vụ cũng rất trọng tâm mà ngành tuyên giáo tiếp tục thực hiện tốt hơn, đó là đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại và tuyên truyền về biển đảo trong tình hình mới, với nhiều hình thức, đổi mới về nội dung, đổi mới về phương pháp tuyên truyền.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Theo VOV.vn