Liên quan đến đơn thư phản ánh của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ và Tư vấn giáo dục Hoàng Phát về việc bà Trần Anh Thư, Trưởng phòng thanh tra cục quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ lạo động- Thương binh và Xã hội cùng đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra, thanh tra công ty trong 3 ngày từ 3-5/01/2017.
Trong quá trình kiểm tra, bà Trần Anh Thư đã tự ý kiểm tra tủ và nơi ở của nhân viên công ty. Đồng thời, có hành vi đe dọa nhân viên công cổ phần Thương mại dịch vụ và Tư vấn giáo dục Hoàng Phát sẽ tịch thu tài sản.
Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ và Tư vấn giáo dục Hoàng Phát gửi đơn tố cáo bà Trần Anh Thư
Xoay quanh vấn đề này, Thời báo doanh nhân đã có cuộc trao đổi với Luật gia, thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng, Phó giám đốc Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật để có cái nhìn khách quan hơn.
Thưa bà, nếu như nội dung đơn tố cáo là sự thật thì bà Thư có phải chịu trách nhiệm nào hay không? Quy định pháp luật cụ thể ra sao?
Tôi cho rằng, trong trường hợp doanh nghiệp đã thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xem xét để làm rõ những tố cáo, phản ánh từ doanh nghiệp.
Thẩm quyền của thanh tra của Cục quản lý lao động ngoài nước được quy định tại Điều 14, Nghị định số 39/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, Cục Quản lý Lao động ngoài nước có quyền Thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao.
Việc Thanh tra phải tuân thủ các quy định của pháp luật và nghiêm cấm những hành vi thanh tra sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho hoặc lợi dụng việc thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Do đó, nếu tố cáo của doanh nghiệp là người có hành vi thanh tra không đúng thẩm quyền sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 42 của Luật thanh tra: “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, trong trường hợp nào thì Thanh tra cục Quản lý được thanh tra đột xuất?
Đối với hoạt động thanh tra thì có thể thực hiện theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất. Theo Quy định tại Điều 37 Luật thanh tra thì thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.
Thưa bà, Quy trình thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung một cuộc thanh tra như thế nào? Cơ quan thanh tra có quyền tự ý mở các tài liệu, sổ sách, máy tính, thiết bị của doanh nghiệp không?
Trình tự thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra được hướng dẫn cụ thể tại thông tư số 05/2014/TT-TTCP. Dĩ nhiên, cơ quan thanh tra, người thực hiện việc thanh tra không được tự ý mở các tài liệu, sổ sách, máy tính, thiết bị của doanh nghiệp. Tất cả đều phải thực hiện bằng các Quyết định, biên bản theo thẩm quyền.
Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo theo đề cương; yêu cầu đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra.
Việc giao nhận thông tin, tài liệu phải lập thành biên bản.
Vâng xin cảm ơn bà!
(Theo TBDN)