Bị “trù dập” vì quá ngay thẳng?
Vừa qua, Thương hiệu và Công luận nhận được phản ánh của bà Đỗ Thị Thanh - phụ huynh của học sinh (PHHS) của cháu Khúc Thị Khánh Thy đang học lớp 4D thuộc trường tiểu học Hoàng Liệt, chị Thanh phản ánh về việc con của chị bị giáo viên chủ nhiệm “cố tình” cô lập, không cho tham gia các hoạt động trong lớp và những bạn chơi thân với cháu Thi đều được “căn dặn” không chơi với bạn… chỉ vì chị Thanh phản ánh chất lượng giáo viên Tin học “tồi”, khiến cho học lực của các cháu giảm sút trong suốt học kỳ I năm học 2017 – 2018.
Theo đơn thư gửi tới cơ quan báo chí, bà Thanh trình bày: “Thời gian vừa qua tôi có phát hiện thấy Trường tiểu học Hoàng Liệt không có giáo viên dạy môn Tin học, với phương châm phân bổ “cho đều, cho đủ’’, lãnh đạo nhà trường đã điều động cô phụ trách thư viện ra đứng lớp dạy môn tin học của toàn trường trong xuyên suốt gần một năm học qua. Chất lượng giáo dục môn tin đạt kém được thể hiện cụ thể sau đợt thi tổng kết học kỳ I, của con tôi và của cả học sinh toàn trường. Điều đáng nói là, cháu về nhà cho tôi biết học không hiểu bài và nhiều tiết cô vắng mặt trong giờ dạy khiến tôi vô cùng lo lắng.
Tôi đã trực tiếp đến gặp cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Hạnh để phản ánh về vấn đề trên và đề nghị cô cho bổ sung giáo viên có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm về dạy môn Tin của trường. Nhưng cô cũng nhiều lần hứa hẹn, rồi bỏ qua các đề nghị cấp bách của những phụ huynh như tôi. Trước việc “phớt lờ” ý kiến của phụ huynh, tôi đành phải phản ánh sự việc trên tới cơ quan báo chí. Tháng 3 vừa qua phóng viên đã đến trường để làm rõ về thông tin tôi phản ánh. Chính vì vậy mà con tôi đã bị “cô lập”, ngay cả giáo viên chủ nhiệm cũng đã thực hiện đến các phương án “ngăn cản’’ mọi hoạt động, cảm xúc của con tôi.”
Không chỉ “trù dập” một học sinh lớp 4, giáo viên chủ nhiệm “yêu cầu” những em học sinh chơi thân với con của chị Thanh không tham gia các hoạt động cùng cháu, đã khiến cháu bị sang chấn tâm lý nặng nề. Từ một đứa trẻ hiếu động, cháu bỗng trở nên “lầm lì”, ít nói… ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập trong suốt thời gian qua.
Bà Thanh bức xúc cho biết: “Cô chủ nhiệm Trịnh Hồng Lan, đã không cho con tôi tham gia vào các hoạt động trong lớp như thường ngày mà khi tôi chưa phản ánh cụ thể: “không cho trực nhật, kéo rèm cửa sổ nơi cháu ngồi, lấy cơm như trước kia. Trong giờ ăn cháu phải ngồi một mình một chỗ ko được ngồi ăn với bạn. Đặc biệt cô Lan còn dặn với các bạn trong lớp không được chơi & nói chuyện với con tôi. Về tới nhà, cháu chỉ biết mếu máo vừa khóc, vừa nói không có bạn nào dám nói chuyện hoặc chơi cùng. Nhiều ngày qua con tôi bị ảnh hưởng tâm lý trầm trọng, cháu thường ngồi một mình không tiếp xúc với ai và bị mặc cảm luôn hỏi tôi là : “con đã làm sai điều gì, khiến cô ra lệnh với các bạn cấm cản không cho chơi với con”?”
Chưa bàn đến việc phân công nhân viên thư viện là cô Lê Thị Trang lên kiêm giáo viên dạy môn Tin học trong suốt học kỳ I và 1 phần học kỳ II là đúng hay sai. Việc đưa cán bộ thư viện lên làm giáo viên giảng dạy của BGH trường Tiểu học Hoàng Liệt liệu đã được UBND quận Hoàng Mai, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đồng ý và cho phép một nhân viên thư viện kiêm luôn vai trò giáo viên không? Thử hỏi, với cương vị được nhận vào trường làm cán bộ thư viện, nhưng vì thiếu giáo viên nên cô Trang được kiêm luôn giáo viên môn Tin học. Vậy BGH trường trả lương cho cô Trang ở vai trò nào? Việc kiêm nhiệm cả 2 nhiệm vụ ( giáo viên, nhân viên), liệu rằng cô Trang có hoàn thành đầy đủ công việc trong 2 vai hay không, hay “sẵn sàng” bỏ tiết học của các con để làm những việc khác như lời phụ huynh học sinh phản ánh?
Phụ huynh “bức xúc”, dư luận “bất bình”
Trước sự việc trên, PV đã gặp chị Thanh PHHS của cháu Khúc thị khánh Thy để trao đổi lại sự việc, chị Thanh cho biết: “Tôi không muốn đến gặp lãnh đạo nhà trường để phản ánh, vì trước tôi đã gặp cô Hiểu trưởng nhiều lần đề nghị thay giáo viên có chuyên môn để dạy cho các con, nhưng cô đều bỏ ngoài tai. Nên tôi biết có lên phản ánh cũng bằng không, vì việc cô chủ nhiệm lớp con tôi đột nhiên “cô lập” cháu chắc không cần nói mọi người cũng hiểu…”
Nếu sự việc giáo viên chủ nhiệm “cô lập” cháu Thy như những gì chị Thanh cho biết thì thực sự đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của người giáo viên, cũng như môi trường giáo dục. Thậm chí, nếu vì ngay thẳng mà con cái bị trù dập, thì liệu rằng đó có phải là môi trường giáo dục đó có đáng để cho con trẻ theo học - những đứa trẻ non nớt về nhận thức, cũng như tâm lý dễ bị xáo trộn hay không?
Chị Thanh phân trần: “Do tôi phán ánh thông tin nhà trường thiếu hụt giáo viên tới cô Hiệu trưởng, con tôi đã bị giáo viên cô lập cháu về mọi hoạt động & cảm xúc làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý trẻ nhỏ. Đặc biệt học kỳ tổng kết cuối năm đang đến gần khiến con tôi bị ảnh hưởng lớn tới tâm lý, không thể nào tập trung được vào để ôn tập. Gia đình tôi rất búc xúc về hành động trên của cô giáo chủ nhiệm. Rất mong cơ quan báo chí phản ánh, làm rõ… chứ nếu tình hình này cứ tiếp tục diễn ra, tôi sợ con tôi sẽ bị trầm cảm…!?”
Cháu Thy "buồn bã" trao đổi với PV
Trao đổi với cháu Thy, một đứa trẻ “ngây thơ” chưa hiểu sự việc với vẻ mặt gần như muốn khóc nói: “Con không biết mình làm gì sai mà cô giáo lại bắt các bạn không chơi với con. Con học không hiểu môn Tin và về kể lại với mẹ con nghe, con chỉ mong có kết quả tốt nhất, không muốn làm ba mẹ buồn thôi…!”
Liệu rằng nghe những lời của con nhỏ như trên, BGH trường Tiểu học Hoàng Liệt có cảm thấy đau lòng? Là môi trường giáo dục, hành xử của giáo viên chủ nhiệm như vậy có mang tính giáo dục hay không?
Dư luận không khỏi bất bình trước việc làm của giáo viên chủ nhiệm lớp 4D. Nhiều câu hỏi được đặt ra: “Phải chăng đó chính là cách giáo dục mà phía trường Tiểu học Hoàng Liệt muốn áp dụng đối với học sinh?”.
Trước đó, vụ việc giáo viên bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng tại Trường Tiểu học An Đồng (Hải Phòng) hay vụ việc “giáo viên câm lặng” trong suốt nhiều tháng tại TP. Hồ Chí Minh đã gây ra phản ứng dữ dội trong dư luận. Những sự việc trên cũng đều xuất phát từ chính những người được gọi là “nhà giáo”, khiến cho cả nước “dậy sóng” chỉ vì nhân cách, lối hành xử của người đứng trên bục giảng. Dư luận chưa kịp lắng, vụ việc tại trường Tiểu học Hoàng Liệt có được coi là “ngòi nổ” trong việc bạo hành tinh thần của học sinh trong suốt thời gian dài?
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Cao Huyền – Quang Nam