Đường dây nóng của Báo điện tử Thương hiệu & Công luận nhận được phản ánh của bạn đọc liên quan đến việc Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lai Cách 1 (Cẩm Giàng, Hải Dương) không trực tiếp tham gia giảng dạy theo quy định, nhưng vẫn lập báo cáo lên phòng GD&ĐT huyện Cẩm Giàng để nhận 35% phụ cấp đứng lớp mỗi tháng, như vậy có đúng với thông tư của Bộ GD&ĐT hay không?

Trước thắc mắc của bạn đọc, PV đã đi tìm câu trả lời để làm rõ những “khúc mắc” trong sự việc trên. Ngày 26/04, PV đã liên hệ làm việc với BGH nhà trường để làm rõ thực hư sự việc.

Trao đổi với bà Hoàng Thị Điệp, Hiệu trưởng nhà trường về việc "bà có lên lớp giảng dạy theo đúng thông tư của Bộ GD&ĐT yêu cầu Hiệu trưởng phải dạy 2 tiết/tuần không?", bà Điệp nói "có" và đang dạy 2 tiết trên/tuần tại lớp 5A, tiết 1 dạy toán, tiết 2 dạy Văn vào thứ 5 hàng tuần theo quy định và "tôi vừa mới dạy tuần vừa qua" (!).

Tuy nhiên, PV nói "cô dạy chủ đề gì trong tiết Tập làm văn tuần vừa qua cho các em?", bà Điệp “ú ớ” không nhớ dạy chủ đề gì?

Khi bà Hiệu phó ngồi cạnh “mớm lời” dạy tả đồ vật, lúc bấy giờ, bà Hiệu trưởng mới nói lại lời của bà Hiệu phó. Bà Hiệu phó lại tiếp tục “đỡ lời” rằng "dạy ôn tập"... Bà Điệp tiếp tục nói lại lời của bà Hiệu phó "nói chung là dạy ôn tập".

Một tuần, dạy duy nhất 1 tiết văn của 1 lớp mà bà Điệp không nhớ nổi mình đã dạy gì...?

 Trường Tiểu học Lai Cách 1 (Cẩm Giàng, Hải Dương): Có lập khống báo cáo “rút ruột” ngân sách? - Hình 1

Bà Hoàng Thị Điệp - Hiệu trưởng Trường TH Lai Cách 1 (áo đỏ) bên cạnh Hiệu phó

Làm việc với BGH nhà trường, PV đã đề cập ngay tới nội dung làm việc theo phản ánh về việc Hiệu trưởng không tham gia giảng dạy nhưng vẫn hưởng 35% phụ cấp đứng lớp. Thời gian ngồi trao đổi với BGH nhà trường, PV cũng đủ hiểu, đã có thông tin lên lớp học “bắt” học sinh “nói dối” khi được hỏi về việc cô Hiệu trưởng có thực sự giảng dạy hay không...

Đối với học sinh, đặc biệt là khối tiểu học, các con vẫn như một tờ giấy trắng. Vì vậy, việc dặn các con phải “nói dối” thì các con cũng chỉ nói được một câu đầu nên khi PV hỏi các em về việc "cô hiệu trưởng có dạy thường xuyên không?", các em đều trả lời: Có!

Tuy nhiên, chỉ ngay câu hỏi sau, các em lại cho biết cô vẫn thỉnh thoảng vắng mặt. Mặt khác, khi được hỏi về buổi học gần đây nhất cô dạy về chủ đề gì, hầu như các em đều “ngơ ngác” không biết trả lời như thế nào, chỉ khi có 1 học sinh lên tiếng là tả cảnh dòng sông thì cả lớp mới đồng thanh nói theo…?

Nhưng theo cách trả lời của học sinh và cô Điệp, có sự “vênh” nhau, học sinh nói cô dạy tả dòng sông, còn cô Điệp lại cho rằng tả đồ vật? Nếu thật sự cô Điệp có đứng lớp giảng dạy như lời cô nói thì tại sao lại có thể “ú ớ” không nhớ nổi giáo án trong buổi dạy gần nhất? Mặt khác, tại sao cô nói một đằng còn học sinh lại nói một nẻo?

Dư luận không khỏi thắc mắc: Liệu rằng, học sinh đã bị “bắt nói dối” để đối phó cho cái sai của hiệu trưởng hay không?

Tục ngữ có câu “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” nhằm khẳng định sự ngây thơ, trong sáng của các em khi không biết nói dối. Là những người làm trong ngành giáo dục, có nên “nhồi” vào đầu các em học sinh những lời nói dối để đối phó với công luận? Phải chăng, sai phạm của hiệu trưởng là có và việc cô không đứng lớp như bạn đọc phản ánh là có cơ sở? 

Theo quy định của Bộ GD&ĐT tại Thông tư số 28/2009/TT-BGD&ĐT ngày 21/10/2009 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, tại điều 7, định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã được quy định rất rõ ràng"Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần. Phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần”. 

Việc không đứng lớp mà vẫn lập hồ sơ báo cáo đầy đủ, có được coi là hành vi làm khống hồ sơ để nhận chế độ hay không? Phải chăng, có việc hiệu trưởng “cố tình” lập báo cáo việc dạy học đầy đủ để “rút ruột” ngân sách với số tiền lên tới vài triệu đồng mỗi tháng? Nếu làm phép tính đơn giản, một năm với cương vị hiệu trưởng, số tiền phụ cấp lên tới vài chục triệu đồng tiền ngân sách nhà nước. Vậy ở cương vị hiệu trưởng nhiều năm thì số tiền phụ cấp sẽ là bao nhiêu?...

Trước đó, hàng loạt vụ hiệu trưởng không đứng lớp đã được báo chí phanh phui, thậm chí có người bị kiểm điểm, người bị khởi tố về việc lập khống lịch giảng dạy để nhận tiền phụ cấp đứng lớp. Nhiều giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục cũng lên tiếng về việc hiệu trưởng không đứng lớp mà vẫn nhận phụ cấp là một việc làm đáng xấu hổ, thậm chí gay gắt hơn khi lãnh đạo của một ngôi trường đang giảng dạy hàng nghìn mầm non tương lai của đất nước lại cố tình gian dối, thì liệu rằng chất lượng giáo dục của nước nhà sẽ đi về đâu?

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục làm rõ sự việc trên.

Cao Huyền – Quang Nam