
Truy xuất nguồn gốc góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm
Truy xuất nguồn gốc được coi là một giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kiểm soát, quản trị dòng sản phẩm, thống kê nghiên cứu thị trường, phát triển thương mại điện tử kết nối cung cầu. Đồng thời khẳng định chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng.
Hiện nay, trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản có vai trò hết sức quan trọng. Nông sản gắn tem truy xuất nguồn gốc không những giúp minh bạch “lý lịch” dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin của người tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm an toàn, có địa chỉ tin cậy, giúp nông dân khẳng định thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị nông sản trên thị trường. Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đã giúp cơ quan quản lý và người tiêu dùng truy cập thông tin về sản phẩm một cách nhanh chóng, chính xác. Từ đó góp phần đưa các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP vươn xa hơn.
Truy xuất nguồn gốc dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc vì những lợi ích thực tế mà nó mang lại. Có thể kể đến như giúp minh bạch hóa thông tin trong sản xuất, kinh doanh nông sản; kiểm soát được chất lượng sản phẩm; là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng nông sản an toàn, có địa chỉ tin cậy. Đây cũng là giải pháp nâng cao giá trị, thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản bằng các nền tảng số. Giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, quản lý về nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm. Góp phần thiết thực cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng.

Cụ thể, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là việc xác định và theo dõi nguồn gốc, quá trình sản xuất, chế biến, phân phối của một sản phẩm, hàng hóa từ khi sản xuất cho đến trước khi đến tay người tiêu dùng. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa có vai trò và lợi ích quan trọng đối với các doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước.
Với vai trò truy xuất nguồn gốc sẽ giúp theo dõi và ghi chép chi tiết các giai đoạn sản xuất, xử lý và vận chuyển của sản phẩm, hàng hóa. Việc này đảm bảo kiểm soát sản phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn theo quy định.
Trong trường hợp xảy ra vấn đề liên quan đến chất lượng hoặc an toàn của sản phẩm, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc cho phép xác định nhanh chóng nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Từ đó, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục và ngăn chặn sự cố lặp lại trong tương lai. Kế tiếp, thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ đảm bảo kiểm soát hiệu quả hơn đối với quá trình di chuyển và vận chuyển của sản phẩm, hàng hóa qua các bước trong chuỗi cung ứng.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) không thể thành công nếu thiếu sự hỗ trợ của công cụ truy xuất nguồn gốc Lợi ích của hoạt động truy xuất nguồn gốc sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quá trình sản xuất sản phẩm, các chuỗi cung ứng liên quan, góp phần hỗ trợ hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ khi sản xuất khi đến tay người tiêu dùng. Điều này giúp hạn chế tình trạng sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường. Truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng có thể biết được thông tin về sản phẩm, hàng hóa mà mình mua, bao gồm nguồn gốc, chất lượng. Từ đó, người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định mua hàng đúng đắn, đảm bảo sức khỏe và lợi ích của mình.
Truy xuất nguồn gốc còn giúp ngăn chặn việc sao chép không hợp pháp và sản xuất hàng giả. Các thông tin chi tiết về nguồn gốc và quá trình sản xuất giúp phân biệt sản phẩm chính hãng với hàng giả, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Từ đó, giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm, hàng hóa; giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ môi trường sống của con người. Ngoài ra, sẽ giúp chứng minh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và môi trường được quy định bởi các tổ chức quốc tế. Qua đó sản phẩm được dễ dàng chấp nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia vào các thị trường quốc tế.

Đây là một cách để thể hiện sự minh bạch và cam kết của doanh nghiệp đối với chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Điều này tạo lòng tin từ phía đối tác kinh doanh và người tiêu dùng, thúc đẩy mối quan hệ thương mại và tạo lợi thế trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tóm lại, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động quan trọng đối với tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng, giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường cạnh tranh lành mạnh và góp phần bảo vệ môi trường.
Ứng dụng khoa học và công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, là cơ sở quan trọng cho các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa địa phương vươn xa. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ dán tem, nhãn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường.
Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm hàng hóa, ngày 19/1/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”.

Tại Thanh Hóa, thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ KH&CN, Sở KH&CN Thanh Hóa đã nghiên cứu, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1221/QĐ-UBND ngày 7/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt “Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025” và Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 23/10/2020 về “Đánh giá thực trạng và nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”...
Qua đó, nhằm nắm bắt đầy đủ, chính xác thông tin về hoạt động, khả năng áp dụng và nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm của các đơn vị cung ứng, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; đề xuất các giải pháp chủ yếu phục vụ công tác quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổng hợp thông tin để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia với khả năng truy xuất nguồn gốc toàn quốc và kết nối quốc tế.
Sau hơn 5 năm triển khai Quyết định 1221 và Kế hoạch 227, trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, xây dựng được các văn bản cấp tỉnh, tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn về TXNG; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho đối tượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Hiện, việc triển khai Quyết định 2112 của UBND tỉnh đã giúp người sản xuất và kinh doanh, người tiêu dùng hiểu rõ hơn về vai trò của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm; góp phần thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh lan tỏa rộng hơn đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc trong giao dịch thương mại điện tử
Giao dịch thương mại điện tử dần trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được nhiều doanh nghiệp, người dân biết đến, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc trong giao dịch thương mại điện tử được các doanh nghiệp, HTX, người tiêu dùng quan tâm. Đối với người dân, doanh nghiệp và đơn vị quan lý Nhà nước thì khó khăn lớn nhất gặp phải là việc phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong giao dịch thương mại điện tử, đặc biệt là trong mua sắm trực tuyến, vì vậy việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc trong giao dịch thương mại điện tử dần khắc phục được những khó khăn, vướng mắc này.

Việc này vừa giúp nhà sản xuất bảo vệ sản phẩm của mình, vừa đáp ứng yêu cầu minh bạch từ khâu sản xuất đến quá trình bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao niềm tin của khách hàng đối với các sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp ngày càng chú trọng, sâu sát hơn trong việc cung cấp thông tin minh bạch và chất lượng đến người tiêu dùng. Giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng hơn trong công tác chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái, tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn và minh bạch, trong đó, ứng dụng công nghệ QR được coi là giải pháp hiệu quả phố biến nhất hiện nay.
Để thúc đẩy ứng dụng truy xuất nguồn gốc trong giao dịch thương mại điện tử, ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, giải pháp xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về trao đổi thông tin trong giao dịch thương mại với mã QR code, NFC và các công nghệ phục vụ việc định danh và xác thực người sử dụng trong hoạt động thương mại điện tử là một trong những giải pháp trọng tâm của kế hoạch. Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương) xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua mã QR trong thương mại điện tử (truyxuat.gov.vn).

Trên cơ sở Kế hoạch số 227/KH-UBND và Quyết định số 1221/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc “Phê duyệt Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025” các sở, ngành, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ cùng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp triển khai các bước hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Các địa phương cũng kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể và tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện việc dán tem truy xuất, tích hợp thông tin sản phẩm lên hệ thống dữ liệu. Nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, một mạng lưới truy xuất nguồn gốc đang từng bước được hình thành, vận hành theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và có chiều sâu.

Tại cơ sở sản xuất nước mắm gia truyền Thành Hiệp - Ba Làng, thuộc phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn), với truyền thống lâu đời, nước mắm Ba Làng nổi tiếng bởi hương vị đậm đà, lên men tự nhiên từ cá cơm và muối sạch trong thời gian dài, không sử dụng phụ gia hay chất bảo quản. Để giữ vững thương hiệu truyền thống trong thời đại công nghệ số, cơ sở đã chủ động áp dụng tem điện tử QR code trên từng sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin về nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng và quy trình chế biến...
Những kết quả đạt được
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 900 sản phẩm tại 650 cơ sở đã được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc, cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong việc áp dụng công nghệ vào quản lý sản phẩm. Đặc biệt, trên hệ thống quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Thanh Hóa đã có 355 cơ sở với 750 sản phẩm nông nghiệp được phê duyệt cập nhật thông tin.
Đây là những con số đáng ghi nhận, cho thấy mức độ chủ động và nghiêm túc của địa phương trong việc tích hợp dữ liệu, minh bạch hóa thông tin. Những con số này càng có ý nghĩa hơn khi phần lớn chủ thể là các hợp tác xã, cơ sở nhỏ, nay đã tiếp cận với công nghệ số để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm truyền thống.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng không thể thành công nếu thiếu sự hỗ trợ của công cụ truy xuất nguồn gốc. Các địa phương đã lồng ghép nội dung truy xuất nguồn gốc vào quy trình xây dựng và đánh giá sản phẩm OCOP, giúp việc minh bạch hóa sản phẩm trở thành một tiêu chí quan trọng trong xếp hạng. Điều này vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa khuyến khích các cơ sở sản xuất thay đổi tư duy quản trị theo hướng hiện đại. Cụ thể, các huyện như Như Xuân, Vĩnh Lộc, Ngọc Lặc... đã hỗ trợ tem QR code và hướng dẫn các chủ thể OCOP ghi chép, cập nhật thông tin lên hệ thống. Qua đó, sản phẩm không chỉ đẹp về hình thức, chuẩn về nội dung, mà còn dễ dàng tiếp cận thị trường điện tử, từng bước khẳng định thương hiệu nông sản địa phương.
Tại Hoằng Hóa, những năm qua Công ty TNHH thực phẩm và thương mại dịch vụ Lê Gia đã luôn quan tâm việc đổi mới công nghệ, thay đổi phương pháp muối mắm truyền thống, nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường. Để tạo ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên liệu được chọn lọc kỹ, lên men tự nhiên trong thùng gỗ, khiến mắm có mùi thơm dịu tự nhiên. Bên cạnh đó, Công ty đã sử dụng mã tem, mã vạch trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm mắm của công ty không chỉ có mặt tại các siêu thị lớn ở cả trong và ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hồng Koong, Đài Loan. Hiện Công ty có gần 50 nhóm sản phẩm, trong đó có mắm tôm, mắm tép đạt sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia; nước mắm đạt OCOP 4 sao. Trung bình hàng năm, Công ty có khả năng cung cấp ra thị trường khoảng hơn 2 triệu lít nước mắm, 500 tấn mắm tôm, mắm tép…
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hợp, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở khoa học và công nghệ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Quyết định số 1221 ngày 4/1/2021; lồng ghép chương trình đề án của tỉnh để bổ sung nguồn lực, kinh phí cho hoạt động truy xuất nguồn gốc và tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về truy xuất nguồn gốc cho các tổ chức doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Với sự phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, các mặt hàng, sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngày càng được cải thiện về chất lượng, mẫu mã, bao bì nhãn mác nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, tuy nhiên bên cạnh đó tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kèm chất lượng ngày càng tràn lan, không doanh nghiệp nào muốn đánh đồng hàng hóa của mình với hàng giả, hàng kém chất lượng. Truy xuất nguồn gốc là một giải pháp mà doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng cho người tiêu dùng nhận diện, tìm hiểu được thông tin về sản phẩm mà họ đã mua.
Việc sử dụng hàng hóa có đầy đủ tem, nhãn truy xuất nguồn gốc luôn là cách tốt nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình, giúp cơ quan quản lý nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giải pháp phòng vệ, chống gian lận thương mại; đồng thời, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng đảm bảo.
Lê Nam