Một điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 về ngày nghỉ được quy định tại khoản 3, Điều 112: Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết Nguyên đán và ngày Quốc khánh.

Trước đây, tại Nghị định 45/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động 2012, Chính phủ cho phép người sử dụng lao động lựa chọn lịch nghỉ tết Âm lịch là 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm âm lịch hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm âm lịch.

Với quy định mới nêu trên, từ năm 2021, lịch nghỉ tết Âm lịch cụ thể hằng năm đối với toàn bộ người lao động trong các doanh nghiệp sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định, thay vì cho phép chủ doanh nghiệp được tự quyết định.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hiện nay, Thủ tướng chỉ ra văn bản quy định lịch nghỉ tết Âm lịch của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Về lịch nghỉ 2 ngày Quốc khánh, theo điểm đ khoản 1 Điều 112 của Bộ luật Lao động 2019, dịp Quốc khánh người lao động được nghỉ vào ngày 2/9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau.

Tương tự như lịch nghỉ Tết Âm lịch, cũng tại khoản 3 Điều 112 chỉ rõ, hàng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ lễ Quốc khánh vào ngày 2/9 và ngày 1/9 hoặc ngày 3/9.

Đáng chú ý, Điều 112 Bộ luật Lao động sửa đổi còn bổ sung thêm 01 ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với ngày Quốc khánh, có thể là 01/9 hoặc 03/9 Dương lịch tùy theo từng năm.

Và như vậy, tổng số ngày nghỉ lễ, tết hàng năm sẽ nâng lên 11 ngày, trong đó: Tết Dương lịch: 01 ngày; Tết Âm lịch: 05 ngày; Ngày Chiến thắng (30/4 Dương lịch): 01 ngày; Ngày Quốc tế lao động (01/5 Dương lịch): 01 ngày; Ngày Quốc khánh: 02 ngày; Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch): 01 ngày. Trong những ngày này, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động sửa đổi còn có nhiều nội dung đáng chú ý như: Tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ; Không còn hợp đồng lao động theo mùa vụ; Ghi nhận hình thức hợp đồng lao động điện tử; Được ký hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần với người cao tuổi; Tăng thời giờ làm thêm theo tháng lên 40 giờ; Thêm trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương; Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do; Có thể ủy quyền cho người khác nhận lương…

Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và sẽ thay thế cho Bộ luật Lao động 2012 hiện hành

Bảo Lâm