Trong buổi làm việc mới đây với các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị các cơ quan cần tập trung trao đổi, phân tích tình hình, chính sách của nước sở tại, từ đó khuyến nghị các biện pháp cụ thể giúp các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức hiện nay trong bối cảnh xuất khẩu toàn cầu đối mặt nhiều thách thức.
Là đơn vị trực thuộc Viện Tiêu chuẩn Anh Quốc (BSI), chi nhánh Viện Tiêu chuẩn Anh Quốc (BSI Group) tại Việt Nam thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu được quá trình chứng nhận, chuyển yêu cầu cho các Văn phòng BSI ở châu Âu và Anh thực hiện công tác chứng nhận. Qua công tác làm việc, Viện nhận thấy các doanh nghiệp đã nhận biết được về tiêu chuẩn UKCA và đang quan tâm thực hiện.
Ông Võ Hồng Kiệt - Giám đốc dịch vụ khách hàng - Viện Tiêu chuẩn Anh Quốc (BSI Group) cho hay: "Chứng nhận UKCA áp dụng cho 26 ngành hàng, nhóm sản phẩm, cũng tương tự cho 26 nhóm sản phẩm đang áp dụng chứng nhận CE. Ứng với mỗi nhóm sản phẩm sẽ có yêu cầu riêng, chỉ thị riêng. Ví dụ như nhóm sản phẩm sắt thép, nhôm kính… chi phí để thực hiện UKCA thì tuỳ theo nhóm sản phẩm, sẽ không có giá cố định. Đối với từng nhóm sản phẩm có thể yêu cầu về thử nghiệm, về đánh giá nhà máy…".
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu Công nghiệp Việt Nam - Anh đạt 2,55 tỷ USD, chiếm 44.2% tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này. Các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu sang Anh chiếm tỷ trọng lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng (10,8%).
Bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho hay: "Việc xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam đóng vai trò to lớn, quan trọng, trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Anh và việc hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam về UKCA là thiết thực, cần triển khai ngay".
Bộ Công Thương cũng lưu ý, nhãn UKCA chỉ áp dụng ở Vương quốc Anh (gồm England, xứ Wales và Scotland), còn đối với Bắc Ireland vẫn có thể sử dụng chứng nhận tiêu chuẩn chung châu Âu CE hoặc nhãn CE UKNI riêng biệt. Do vậy, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu để thực hiện chính xác chứng nhận cần cho thị trường mục tiêu xuất khẩu.
Nhờ lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do UKVFTA cũng như thay đổi trong chuỗi cung cứng toàn cầu, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần trong thời gian tới là rất lớn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ cùng Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo hướng dẫn về nhãn hiệu UKCA cho các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu nắm rõ và thực hiện.
Trúc Mai