Tại Thông tư mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.

Cụ thể, về quy mô và diện tích trường mầm non, Thông tư 23/2024 quy định trường mầm non tối đa 30 nhóm/lớp, tăng 10 nhóm/lớp so với hiện nay. Với bậc tiểu học, mỗi trường có quy mô tối đa 40 lớp, tăng thêm 10 lớp so với quy định hiện hành.

Còn ở bậc trung học phổ thông, số lớp tối đa là 50, tăng thêm 5 lớp; Điều chỉnh giảm quy định diện tích bình quân tối thiểu cho một học sinh ở khu vực đô thị loại III trở lên, chỉ còn 6-8m2 (tuỳ từng cấp học), thay vì 8-10m2 như quy định hiện hành.

Từ ngày 31/1/2025, trường tiểu học được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3 tầng như hiện nay. (Ảnh: CTV)
Từ ngày 31/1/2025, trường tiểu học được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3 tầng như hiện nay. (Ảnh: CTV)

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng điều chỉnh quy định về độ cao của trường học các cấp. Ở cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT quy định, các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá 5 tầng, tăng thêm 2 tầng so với quy định cũ. Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học cao không quá 5 tầng, tăng thêm 1 tầng so với quy định cũ.

Ngoài ra, quy định mới cũng điều chỉnh linh hoạt theo hướng cho phép trường học ghép các phòng bộ môn (phòng Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Hoá học,...), thay vì quy định tối thiểu mỗi bộ môn phải có tối thiểu 1 phòng như hiện nay.

Thông tư 23/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 31/1/2025.

Từng đề xuất về vấn đề tăng diện tích, quy mô trường lớp để giải bài toán quá tải sĩ số, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết: Thủ đô có hơn 2,2 triệu học sinh, nhiều nhất cả nước, và đang gặp sức ép lớn về việc dân số cơ học tăng nhanh. Mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 50.000-60.000 học sinh, tương ứng với 30-40 trường học. Nội thành "không còn đất", việc xây trường mới ở ngoại thành cũng cần thời gian.

Đại diện UBND thành phố kiến nghị Bộ GD&ĐT cho Hà Nội được hưởng cơ chế đặc thù, gồm thay đổi tiêu chí đánh giá từ diện tích đất/học sinh sang diện tích sàn/học sinh; các trường trong khu vực nội thành được nâng tầng và xây thêm tầng hầm.

 PV (t/h)