So với Luật Đất đai 2013, luật mới bổ sung hai trường hợp Nhà nước thu hồi sổ đỏ là khi bị tòa án tuyên hủy hoặc đấu giá, giao quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu của tòa án, cơ quan thi hành án mà người phải thi hành án không nộp sổ đỏ đã cấp.
Bốn trường hợp khác cơ bản giữ nguyên như luật cũ, nhưng được quy định chi tiết hơn. Đó là nhà nước sẽ thu hồi sổ đỏ nếu toàn bộ diện tích đất ghi trong đó bị thu hồi.
Khi người dân cấp đổi sổ đỏ thì sổ cũ bị thu hồi. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới sổ đỏ, thì sổ cũ bị thu hồi.
Sổ đỏ cấp không đúng thẩm quyền, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất cũng thuộc diện phải thu hồi.
Với sổ đỏ cấp sai quy định, trường hợp tranh chấp đã có bản án, quyết định của tòa có hiệu lực thi hành, trong đó có nội dung thu hồi sổ đỏ đã cấp thì thực hiện theo bản án.
Trường hợp cơ quan thanh tra kết luận sổ đỏ đã cấp không đúng quy định thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, nếu kết luận thanh tra đúng thì thu hồi; nếu xác định sổ đỏ cấp đúng thì thông báo lại cho cơ quan thanh tra.
Khi cơ quan Nhà nước phát hiện sổ đỏ đã cấp không đúng quy định thì thông báo cho người sử dụng đất biết lý do và thu hồi. Nếu người sử dụng đất phát hiện sổ đỏ cấp không đúng thì kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét thu hồi.
Sổ đỏ cấp sai quy định sẽ không bị thu hồi nếu người được cấp đã chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo pháp luật đất đai. Việc xử lý thiệt hại do cấp sổ đỏ sai quy định sẽ thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án.
Ngoài 6 trường hợp nêu trên, việc thu hồi sổ đỏ chỉ thực hiện khi có bản án, quyết định của tòa án đã được thi hành hoặc văn bản kiến nghị của cơ quan thi hành án, trong đó có yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đã cấp.
Minh Đức