Theo Thông tư số 21/2017/TT-BCT ngày 23-10-2017 của Bộ Công thương “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may”, mức giới hạn hàm lượng formaldehyt của sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam không vượt quá 30mg/kg (đối với sản phẩm dành cho trẻ em dưới 3 tuổi); 75mg/kg (đối với sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da) và 300mg/kg (đối với sản phẩm dệt may không tiếp xúc trực tiếp với da). Bên cạnh đó là giới hạn về hàm lượng amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo không vượt quá 30mg/kg.
Sản phẩm may mặc bắt đầu từ 1/5 cần gắn dấu hợp quy (CR)
Và kể từ ngày 1-5-2018, các sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam phải được công bố phù hợp quy định tại quy chuẩn này và gắn dấu hợp quy CR theo các quy định hiện hành.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tại TPHCM cho biết, trong thời gian gần đây, văn phòng hiệp hội nhận được khá nhiều cuộc điện thoại từ hội viên để hỏi về việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, gọi tắt là QCVN 01 2017 nằm trong Thông tư 21/2017/TT-BCT. Vấn đề là quy định chuẩn bị có hiệu lực nhưng doanh nghiệp tỏ ra rất mơ hồ, không nắm rõ.
Bà Mai còn cho biết, trong thời gian gần đây, hiệp hội cũng đã tiếp nhiều công ty có chức năng kiểm định, công bố đến giới thiệu dịch vụ. Chi phí kiểm nghiệm, kiểm định theo ghi nhận có khá nhiều mức khác nhau, từ 1,3-1,5 triệu đồng, thậm chí 2 triệu đồng một mẫu. Bà Mai cho biết, chưa thể nhận định mức giá kể trên đắt rẻ ra sao vì còn phải tính đến yếu tố thời gian có kết quả.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn cho biết, trước đây, việc kiểm tra mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may được thực hiện theo hình thức tiền kiểm. Tức là hàng hóa nhập khẩu có kết quả kiểm tra mới được thông quan đưa vào sản xuất. Trong khi ở quy định mới này, cơ quan quản lý cho phép DN được công bố hợp quy với hai hình thức, đó là tự công bố hoặc dựa trên kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức được chỉ định. Cơ quan quản lý chỉ tiến hành hậu kiểm, kiểm tra hàng hóa khi trưng bày và tiêu thụ trên thị trường. “DN thực hiện quy chuẩn này không chỉ thể hiện trách nhiệm của mình với người tiêu dùng, mà đó còn là cơ hội để ngành dệt may giành lại thị phần nội địa, nơi tiêu thụ sản phẩm với giá trị gia tăng lớn hơn so với thị trường nước ngoài. Ðây chính là cơ hội cho các DN dệt may nước nhà…”, ông Nguyễn Anh Sơn khẳng định.
Hoàng An