Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tỷ giá USD giảm sau một loạt biện pháp kích thích kinh tế từ Trung Quốc đã thúc đẩy cổ phiếu toàn cầu.

Theo đó, các nhà đầu tư hoan nghênh việc chính phủ Trung Quốc triển khai hai chương trình tài trợ để giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán của nước này. Điều đó cũng khiến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá và thúc đẩy các loại tiền tệ hàng hóa như AUD và CAD, và đẩy đồng USD trượt giá.

Bên cạnh đó, đồng USD cũng giảm sau khi dữ liệu cho thấy số lượng nhà ở khởi công tại Mỹ giảm 0,5% xuống còn 1,354 triệu nhà ở vào tháng 9, sau khi tăng mạnh 7,8%, đạt mức 1,361 triệu nhà ở vào tháng 8.

Tuy nhiên, chỉ số DXY vẫn đang trên đà tăng trong tuần thứ ba, hiện tăng 0,6% trong tuần này. Chỉ số này đã tăng khoảng 2,7% trong tháng này, mức tăng tháng lớn nhất kể từ tháng 2/2023.

Chỉ số này đã giảm 0,3% và chốt phiên giao dịch ở mức 103,49, mức giảm ngày lớn nhất kể từ cuối tháng 9.

Sự hỗ trợ lớn nhất cho đồng USD suốt vài tuần qua là sự thay đổi trong kỳ vọng của thị trường đối với chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở mức vừa phải hơn, sau một loạt dữ liệu kinh tế Mỹ ổn định. Fed đã “mạnh tay” cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9, điều này đã khiến đồng USD giảm giá trước đó.

Thị trường tương lai cũng kỳ vọng từ giờ tới thời điểm cuối năm nay, Fed sẽ cắt giảm khoảng 45 điểm cơ bản và giảm thêm 104 điểm cơ bản vào năm tới.

Trong khi đó, đồng EUR tăng 0,3% so với đồng USD, đạt mức 1,0865 USD.

Tại thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 19/10, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 14 đồng, hiện ở mức 24.213 đồng.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.373 đồng.

Tỷ giá EUR tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 24.913 đồng – 27.535 đồng.

Tỷ giá yên Nhật tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 153 đồng – 170 đồng.

Việt Anh (t/h)