THCL Ngày 24/11/2015, Quận ủy Hoàng Mai có Thông báo số 22-TB/QU về “Kết luận của Ban Thường vụ Quận ủy liên quan tới công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng đối với một số bãi đỗ xe tại phường Đại Kim, Trần Phú, Hoàng Liệt”.
Thông báo nêu rõ: Xử lý toàn bộ vi phạm về trật tự xây dựng tại phường Đại Kim (bờ phải sông Tô Lịch, đoạn từ cầu Lủ đến cầu Dậu) của chủ đầu tư, trả lại hiện trạng ban đầu, hoàn thành trước ngày 31/12/2015.
Các công trình vi phạm tại đây tồn tại từ nhiều năm, được quây hàng rào khung sắt bịt tôn cao 2 m án ngữ, bên trong lập bãi trông giữ xe, kinh doanh dịch vụ gây mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông. Sáng 31/12/2015, UBND phường Đại Kim phối hợp với Thanh tra Xây dựng quận Hoàng Mai, Công an phường Đại Kim và các đơn vị liên quan tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm trật tự xây dựng tại khu đất nói trên, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, sau buổi tổ chức cưỡng chế “rầm rộ” đó, mọi việc lại đâu vào đó, các công trình vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức pháp luật?
Những tưởng, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng sẽ trả lại sự thông thoáng cho cảnh quan nơi đây; song chỉ vài ngày sau cưỡng chế, các công trình đã được tháo dỡ phần mái xuống, ngay lập tức lại được lợp bằng các tấm bạt nhựa, chằng chắn bằng các lốp ô tô... Các hoạt động trông giữ, sửa chữa xe vẫn tiếp tục diễn ra. Tại hàng rào khung sắt bịt tôn xanh, các quán trà đá vỉa hè mọc lên như nấm, tinh vi hơn, các hàng rào này được khoét sâu vào trong – trở thành các ki ốt nhỏ, khi có lực lượng chức năng đi qua, họ kéo cả gian hàng vào bên trong bịp tôn lại.
Người dân phường Đại Kim bức xúc: “Họ tổ chức cưỡng chế cho có hình thức, nửa vời. Mọi việc trước và sau cưỡng chế không có gì thay đổi: gara sửa chữa ô tô, bãi đỗ xe… vẫn tồn tại. Chúng tôi không nhất trí với việc bãi đỗ xe tồn tại ở đây. Họ không hề lấy ý kiến của dân mà đã cấp tập triệt hạ cây, xây cổng, phá vỉa hè làm đường cho xe vào”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Cung Thị Hồng Loan, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Đại Kim cho biết: “Phường đã tổ chức cưỡng chế vi phạm trật tự. Tuy nhiên, sau buổi cưỡng chế, họ vẫn trông giữ xe. Nhưng chức năng của Phường không thể cấm được. Phường sẽ có trách nhiệm báo cáo sự việc lên trên…”.
Được biết, mỗi lần tổ chức cưỡng chế phải huy động nhiều cơ quan ban, ngành liên quan vào cuộc và chi phí cho việc cưỡng chế cũng không phải là nhỏ. Vậy việc tổ chức cưỡng chế của UBND phường Đại Kim có đúng chỉ là hình thức? Việc coi thường luật pháp của các tổ chức, cá nhân đã bị cưỡng chế biểu hiện rõ ở chỗ, ngay sau khi cưỡng chế, các hoạt động lại trở lại bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra. Phải chăng, có sự “chống lưng” khiến họ “vô tư” hoạt động?.
Cao Huyền - Hải Triều