Ông Nguyễn Khắc Kiên trao đổi với phóng viên
Ngày 21/9/2006, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 4168/QĐ-UBND về việc thu hồi 161.892 m2 đất tại phường Tây Tựu; giao Trung tâm Phát triển quỹ đất để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất, xây dựng Dự án Đề - pô xe điện.
Đây là một trong 2 tuyến đường sắt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội nên người dân hoàn toàn nhất trí với chủ trương.
Tuy nhiên, theo ông Kiên: “Trong dự án này, có những biểu hiện bất thường như cùng chung một dự án, nhưng việc bồi thường lại không công bằng. Cụ thể, một số gia đình ở xã Minh Khai được bồi thường về đất với giá 162.000 đồng/m2, còn ở Tây Tựu chỉ được 108.000 đồng/m2”...?
Ông cũng cho rằng, một số văn bản được ban hành chưa thống nhất, khiến người dân luôn phải “quay vòng” và tự đi kiếm tìm các văn bản pháp luật để “có cơ sở khiếu nại với chính quyền địa phương”.
Đặc biệt, việc các cấp chính quyền luôn tìm cách “câu giờ” báo chí và "im lặng" trước những khiếu nại về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân.
Được biết, Dự án xây dựng đường dân vào Đề - pô (trạm bảo dưỡng, sửa chữa tàu điện) tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội, thu hồi đất của gần 100 hộ dân tại phường Tây Tựu. Dự án do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, giao UBND quận Bắc Từ Liêm đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đất của các hộ dân có nguồn gốc thuộc diện đất khoán 10, khoán 100 từ những năm 1980. Đến năm 1990, do đất đã mất màu, lại thường xuyên thiếu nước nên bà con không sản xuất lúa được, đã tự chuyển đổi mục đích sang trồng cây ăn quả.
Nhiều hộ dân, vì ở chật chội trong làng (có hộ dân đã sinh sống 4 thế hệ), cùng với thực trạng UBND phường nhiều năm qua không có đất giãn dân nên họ đã tự xây dựng nhà trên đất để giãn dân, sinh sống ổn định lâu dài. Vì vậy, việc bồi thường chưa thỏa đáng, không bố trí tái định cư sẽ khiến người dân bị thu hồi đất không đủ khả năng tạo lập lại nơi ở mới để ổn định cuộc sống khiến gia tăng sự bất bình trong dư luận.
Để làm rõ bản chất vấn đề, cũng như thông tin tới bạn đọc một cách khách quan nhất, phóng viên đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND phường Tây Tựu, ông Đặng Trần Phi. Buổi làm việc kết thúc chóng vánh bởi theo ông Phi, UBND phường cho rằng ông không được phép cung cấp các hồ sơ liên quan đến dự án cho phóng viên và nói "phóng viên phải lên cấp trên để hỏi bởi chúng tôi không ban hành những văn bản đó” (?!).
Phóng viên không khỏi hoài nghi về việc: Lãnh đạo xã đã thực sự chăm lo cho đời sống của người dân hay chưa? Người dân sẽ đi đâu, làm gì để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình?
Hơn 40 hộ dân phường Tây Tựu vẫn đang khiếu nại về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tuy nhiên, cho đến nay, UBND quận Bắc Từ Liêm vẫn trì hoãn việc giải quyết dứt điểm những khiếu nại của bà con.
Để đảm bảo hài hòa lợi ích xã hội với lợi ích các hộ dân bị thu hồi đất, tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình triển khai dự án, cũng như niềm tin đối với các cấp chính quyền, đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm vấn đề trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho bà con phường Tây Tựu. Mặt khác, cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân và đơn vị liên quan, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, răn đe, định hướng cho một số cá nhân không làm tròn trách nhiệm của mình.
TH&CL sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Linh Tuệ