Theo đó, Văn bản của UBND tỉnh Bình Dương nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc "xem xét cho người ở khu vực đông dân cư không đảm bảo yêu cầu giãn cách, cách ly theo quy định được đăng ký về quê theo nguyện vọng, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, khoa học, đồng bộ giữa các địa phương, đảm bảo an toàn phòng chống dịch".
UBND tỉnh Bình Dương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có nhu cầu đón công dân về địa phương giao Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) chủ động liên hệ với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương để thống nhất về danh sách, thời gian, địa điểm và cách đưa đón công dân.
Hiện nay công dân chưa được tự ý ra khỏi địa bàn tỉnh Bình Dương. Những người có nhu cầu, trong đó ưu tiên một số đối tượng được về quê nhưng phải có sự đồng ý và tổ chức, phối hợp của UBND tỉnh, thành nơi thường trú của công dân.
Các đối tượng được ưu tiên gồm: người có bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày; phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ; người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 16 tuổi; công dân từ các tỉnh đi thăm thân nhân, giải quyết công việc, khám bệnh nhưng bị "mắc kẹt" tại Bình Dương; người lao động tự do mất việc làm; các trường hợp đặc biệt khó khăn khác...
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết đã phối hợp với 10 tỉnh, thành đưa trên 2.600 người có hoàn cảnh khó khăn về quê.
Người lao động làm việc cho các nhà máy, xí nghiệp đang tạm ngưng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được khuyến khích nên ở lại, sẵn sàng trở lại công việc khi các nhà máy mở cửa hoạt động trở lại.
Để người lao động an tâm ở lại, UBND tỉnh Bình Dương đã chi hỗ trợ của địa phương (được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua) cho người khó khăn một phần tiền thuê nhà (300.000 đồng/trường hợp) và tiền lương thực thực phẩm (500.000 đồng/trường hợp) với số tiền trên 1.045 tỉ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã chi cho các đối tượng khó khăn theo nghị quyết số 68 của Chính phủ là trên 524.000 trường hợp, với số tiền trên 734 tỉ đồng.
Phong Vân