Theo đó, các hộ dân nuôi ngao trên khu vực ven biển thuộc quận Hải An và huyện Kiến Thụy là tự phát, ban đầu các hộ nuôi ngao với quy mô, diện tích nhỏ. Năm 2011, Ủy ban nhân dân xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy đã triển khai rà soát các hộ nuôi ngao vùng ven biển huyện Kiến Thụy, tại thời điểm này, chỉ có khoảng 32 hộ nuôi ngao với diện tích 147,1 ha/30 chòi trông coi.
Sau đó các hộ dân đã tự mở rộng diện tích nuôi, lấn ra phía ngoài biển không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; chồng lấn vào khu vực của các tổ chức đã được Ủy ban nhân dân thành phố giao, cho thuê để thực hiện khai thác khoáng sản cát phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Hiện nay, có 28 hộ đang nuôi ngao trên địa bàn quận Hải An với diện tích 726,36ha; có 89 hộ đang nuôi ngao trên địa bàn huyện Kiến Thụy với diện tích 2.557,5ha. Các hộ nuôi ngao tại 02 khu vực trên không chỉ là người dân thường trú trên địa bàn quận Hải An, huyện Kiến Thụy mà gồm nhiều hộ dân thường trú tại các tỉnh khác như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa…
Theo kết quả rà soát, các địa phương đều có văn bản yêu cầu các hộ dân dừng việc nuôi ngao từ trước đây nhiều năm, như: Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy đã có Thông báo số 282/TB-UBND ngày 16/12/2011, chỉ cho phép các hộ tiếp tục nuôi thả trên diện tích cũ tại khu vực trên đến hết vụ nuôi, nghiêm cấm việc tự ý cắm thêm lưới cây và thả thêm giống; ngày 18/08/2017, Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy tiếp tục ban hành Công văn số 1295/UBND-NN yêu cầu các hộ dân dừng ngay việc đầu tư, mở rộng diện tích nuôi thả mới ngao tại bãi triều ven biển xã Đại Hợp. Tuy nhiên, các hộ dân không chấp hành mà tiếp tục tự ý quây bãi, mở rộng hoạt động nuôi trồng thủy sản (nuôi ngao).
Như thông tin UBND TP. Hải Phòng cung, tất cả các hộ nuôi ngao trên khu vực biển không cung cấp được giấy tờ liên quan đến việc cho phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không nộp bất cứ khoản thuế, phí gì cho địa phương nơi có biển. Do đó, các hộ dân này đã vi phạm các quy định về điều kiện nuôi trồng thuỷ sản trên biển theo quy định tại Điều 38, 39 và 44 Luật Thuỷ sản năm 2017 và Điều 37 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/03/2019 của Chính phủ, Điều 17 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/05/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Theo quy định của pháp luật, đối với hành vi vi phạm mà các hộ dân đang thực hiện thì căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả, vị trí, ranh giới vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/05/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, các hộ dân có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra là buộc di dời, tháo dỡ công trình nuôi thủy sản vi phạm; buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm; buộc trả lại phần diện tích đất sử dụng không phù hợp; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đó.
Trường hợp các hộ không tự di dời, cơ quan chức năng sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 33, 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Việc các hộ dân đã tiến hành nuôi ngao tự phát, vi phạm các quy định pháp luật về nông nghiệp. Để thực thi nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên khu vực biển do thành phố quản lý, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Văn bản số 6761/UBND-KS ngày 22/09/2021 yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản không phép trước 30/11/2021 phải thực hiện xong việc di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực biển đã được cơ quan có thẩm quyền giao cho các tổ chức khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, đến nay (đã gần 12 tháng) các hộ dân vẫn chưa thực hiện di dời.
Do đó, UBND TP. Hải Phòng đã chỉ đạo UBND quận Hải An và huyện Kiến Thụy thiết lập các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các hộ dân tự nguyện di dời, tháo dỡ các công trình vi phạm.
Đến nay, tại quận Hải An đã cưỡng chế di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi trong vi phạm 161ha tại Khu công nghiệp DeepC 2A; đã có 15/28 hộ dân tự nguyện di dời; còn lại 13/28 hộ dân, thành phố đang chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận Hải An thực hiện cưỡng chế.
Quỳnh Nga