Vừa qua, UBND TP. HCM đã ban hành công văn khẩn gửi Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường thành phố liên quan đến việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP. HCM đề nghị Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh. Đồng thời, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp.
Sở Công Thương cũng phải yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý.
Các doanh nghiệp bán lẻ, đại lý và cửa hàng kinh doanh xăng dầu chia sẻ với những khó khăn của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trong thời gian vừa qua.
UBND TP.HCM giao Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn.
Ngoài ra, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và chủ động, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND TP. HCM khi có tình huống phát sinh.
Từ 15h ngày 11/10, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, tại đợt điều chỉnh lần này, giá xăng E5 RON 92 tăng 560 đồng/lít, lên 21.290 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 560 đồng/lít, lên 22.000 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu hỏa tăng 1.140 đồng/lít, lên 22.820 đồng/lít; dầu diesel tăng 1.960 đồng/lít, lên 24.160 đồng/lít. Như vậy, xăng dầu đã có lần đầu tăng giá sau 4 phiên giảm liên tiếp.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập quỹ bình ổn xăng dầu mỗi lít xăng từ 200 đến 400 đồng. Với dầu diesel, chi sử dụng quỹ 200 đồng/lít; với dầu hỏa và dầu mazut không trích lập cũng không chi sử dụng quỹ bình ổn.
PV