Lái xe sau khi uống rượu bia là một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn giao thông. Đơn cử như: Vụ lái xe ô tô con gây tai nạn liên tiếp tại đường Láng, khiến nữ công nhân môi trường tử vong; xe ô tô Mercedes đâm tử vong 2 người phụ nữ ở hầm Kim Liên (Hà Nôi), là hồi chuông báo động về tình trạng các tài xế say rượu, nhưng vẫn lái xe.
Trong bia, rượu đều chứa ethanol hay còn gọi là cồn, chất rất độc hại cho cơ thể gây ảnh hưởng đến thể lực, tư duy, trí tuệ, khả năng lao động. Ngoài việc làm tổn thương các bộ phận cơ thể người thì trong khoảng thời gian nhất định sau khi uống rượu còn bị giảm thể lực, giảm khả năng nhận thức và điều khiển hành vi và điều khiển phương tiện giao thông trong trường hợp này rất nguy hiểm, dễ gây ra tai nạn và ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Công an giao thông đang kiểm tra nồng độ cồn của tài xế
Luật giao thông đường bộ 2008 quy định cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông là nhằm loại trừ nguy hiểm cho chính người sử dụng cũng như những người tham gia giao thông khác.
Theo nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính Phủ về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/8/2016 quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu, bia cụ thể như sau:
Đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
- Phạt tiền từ 2 tới 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
- Phạt tiền từ 7 tới 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
- Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 6 tháng tùy từng trường hợp.
Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:
- Phạt tiền từ 1 tới 2 triệu đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
- Phạt tiền từ 3 tới 4 triệu đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ hoặc điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 5 tháng tùy từng trường hợp.
Trong khi đó, đối với xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng với các mức phạt từ 400 nghìn đồng đến tối đa 7 triệu đồng đối với từng trường hợp nồng độ cồn trong người, đi kèm với đó là mức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi Điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 tới 4 tháng.
PV