Miễn giảm thuế hỗ trợ DNNVV
Việt Nam hiện có hơn 600.000 DN, trong đó khối kinh tế tư nhân chiếm gần 500.000 DN và trong số này có tới hơn 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ, 2% DN quy mô vừa và 2% DN lớn. Khối kinh tế tư nhân đã tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm.
Mới đây, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế TNDN nhằm hỗ trợ, phát triển DNNVV, góp phần phát triển nền kinh tế nước nhà.
DNVV sẽ được hỗ trợ về thuế để tiếp tục lớn mạnh
Hiện số lượng DNNVV chiếm đa số trong tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam và giữ một vai trò, vị trí đặc biệt để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nhằm thúc đẩy DN phát triển, mở rộng sản xuất, khuyến khích các hộ và cá nhân kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình DN với mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020, Bộ Tài chính đã đề xuất DNNVV được áp dụng các mức thuế suất thuế TNDN tương ứng là 17% và 15% (hiện nay là 20%), theo chủ trương của Đảng, Quốc hội.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế TNDN trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ và cá nhân kinh doanh.
Bộ Tài chính cũng đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế 15% đối với DN siêu nhỏ theo nguyên tắc sau: Phải thực hiện hạch toán doanh thu, chi phí và khai, nộp thuế theo phương pháp xác định thu nhập. Trường hợp DN siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người; áp dụng thuế suất 17% đối với DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người.
Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế suất thuế TNDN xuống mức 15 - 17%, đảm bảo sự khuyến khích đối với DNNVV.Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, hiện nhiều nước có quy định DNNVV được áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông.
Tăng sức cạnh tranh của DN
Phó giám đốc Công ty Bánh kẹo Tân Việt, Trần Đình Phát khẳng định, đề xuất giảm thuế lần này của Bộ Tài chính, tuy không nhiều nhưng đã giúp DNNVV thấy được sự quan tâm đặc biệt về chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện giúp DN tiết kiệm chi phí, tập trung vốn, đẩy mạnh chất lượng và từng bước xây dựng thương hiệu cho riêng mình.
“Thuế TNDN được đề xuất giảm từ 20% xuống còn 15 - 17%, mặc dù con số không lớn, nhưng đó là sự hỗ trợ rất tốt cho các DN nhỏ, giúp DNNVV tăng cường số vốn, phát triển SXKD, nâng cao khả năng cạnh tranh, vươn xa hơn nữa”, ông Phát nói.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định: “Quan trọng là phải “khuyến khích nói thật” của các DN, không có tình trạng trốn thuế thì mọi thứ sẽ luôn minh bạch hơn. Trong khâu quản lý, siết chặt hơn nữa để các DN luôn công bằng.
Việc đề xuất giảm thuế TNDN là điều tốt, càng giảm thuế càng tốt để kích thích DN phát triển. Nhưng đi đôi với giảm thuế, phải tăng thu các nguồn khác để chống thất thu NSNN, vì thuế là nguồn thu chính của một quốc gia”.
Với những giải pháp về thuế nêu trên, Bộ Tài chính ước tính có thể làm giảm NSNN khoảng 9.200 tỷ đồng/năm (trong đó giải pháp giảm thuế suất cho DNNVV - giảm khoảng 6.500 tỷ đồng/năm và giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỷ đồng/năm).
Tuy nhiên, việc giảm NSNN, về lâu dài là phát triển nền kinh tế - xã hội nước nhà đi lên, tạo điều kiện cho các DNNVV tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển SXKD, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho NSNN trong tương lai.
Trang Nguyễn