Ảnh minh họa
Báo cáo về phân bổ ngân sách năm 2019 tại phiên họp Quốc hội ngày 22/10, Chính phủ trình dự toán thu ngân sách hơn 1,41 triệu tỷ đồng, tỷ lệ huy động 23% GDP; chi ngân sách hơn 1,63 triệu tỷ đồng. Như vậy bội chi năm 2019 khoảng 222.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP.
Thẩm tra báo cáo này, Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc "kiên quyết giảm bội chi" và chỉ ưu tiên bố trí chi cho các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, có kế hoạch, biện pháp thực hành tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết.
"Không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội", Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí đầy đủ chi trả nợ lãi theo đúng cam kết đến hạn phải trả, bảo đảm hệ số tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường quốc tế... Đồng thời, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi NSNN.
Về dự toán thu ngân sách hơn 1,41 triệu tỷ đồng, Uỷ ban Tài chính ngân sách đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu "là khó khăn" khi dự toán đưa ra tỷ lệ huy động từ thuế, phí thấp hơn 21% GDP.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý về việc xây dựng dự toán thu từ 3 khu vực sản xuất kinh doanh có mức tăng khá cao so với ước thực hiện năm 2018. Cụ thể là thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 10%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 13,3%.
"Năm 2018 thu từ các khu vực này đều không đạt dự toán thì dự toán như trên sẽ tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu năm 2019", ông Hải đánh giá.
Liên quan đến thu từ dầu thô, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận xét, sản lượng khai thác có xu hướng giảm dần qua các năm, năm 2017 ước thực hiện 13,28 triệu tấn, năm 2018 là 11,76 triệu tấn, năm 2019: dự kiến 10,43 triệu tấn.
Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ khai thác, dự kiến trữ lượng và kế hoạch khai thác trong các năm tiếp theo, tạo căn cứ xây dựng dự toán sát hơn.
Ông Hải cũng phản ánh, trong quá trình thẩm tra, một số ý kiến của Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp giải quyết việc giảm nguồn thu khá lớn khi dự án lọc dầu Nghi Sơn vận hành chính thức. "Các giải pháp phải mang tính tổng thể, thực chất, rõ ràng nhằm bảo đảm cân đối tài chính và mức đóng góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho ngân sách nhà nước", ông Hải nêu.
Liên quan đến bội chi và nợ công, Chính phủ dự kiến bội chi năm 2019 khoảng 3,6%GDP, giảm 0,1%GDP so với năm 2018. Tuy nhiên xét về số tuyệt đối, bội chi lại tăng thêm khoảng 18.000 tỷ đồng. Tán thành phương án này song Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính đề nghị, phải kiên quyết cắt, giảm nhiệm vụ chi nếu thu không đạt dự toán.
Uỷ ban này cũng lo lắng khi tỷ lệ nợ công dù giảm, năm 2019 khoảng 61,3% GDP nhưng nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia lại đang tăng, lần lượt 52,2% và 49,9% GDP. Trong đó, nợ nước ngoài đã tiến sát trần 50% GDP Quốc hội cho phép.
Điều này cho thấy, các chỉ tiêu vẫn trong giới hạn cho phép, song tiềm ẩn những rủi ro. "Chính phủ cần thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia", Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nhấn mạnh.
PV