Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi.
Lý do là vì nhóm này chưa ổn định nhân dạng và sinh trắc học; sẽ phát sinh chi phí và thủ tục hành chính không cần thiết vì không thay thế giấy khai sinh; không có tính đồng bộ trong việc tham gia các hoạt động giao dịch của cá nhân người được cấp căn cước cũng như của cơ quan quản lý nhà nước.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho hay, theo báo cáo của Chính phủ, công nghệ hiện nay có thể thu nhận vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên, bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học.
Bên cạnh đó, pháp luật về xuất nhập cảnh đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt.
Tuy thẻ căn cước không thay thế giấy khai sinh nhưng có thể tích hợp thêm nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân, tiết kiệm kinh phí cho nhà nước và người dân trong việc cấp và sử dụng các loại giấy tờ này.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ hướng tới việc cung cấp nhiều giải pháp, tiện ích phục vụ đối với công dân dưới 14 tuổi trên cơ sở sử dụng thẻ căn cước gắn chip.
Về lâu dài sẽ nghiên cứu, đánh giá thêm về độ tuổi bắt buộc phải cấp thẻ căn cước để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước, phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong đẩy mạnh Chính phủ số, xã hội số.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo luật Chính phủ trình.
Cũng theo ông Lê Tấn Tới, một số ý kiến đề nghị chọn lọc các loại thông tin cần thiết để tích hợp vào thẻ căn cước bảo đảm thực hiện được ngay, không giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết.
Quy định cấp quyền khai thác thông tin phù hợp với lĩnh vực, yêu cầu quản lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc khai thác, sử dụng, bảo mật thông tin được khai thác, sử dụng; bổ sung quy định về hình thức, lộ trình tích hợp thông tin; trình tự, thủ tục thu thập, tích hợp thông tin.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo luật chỉ quy định tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên.
Đồng thời, dự thảo luật giao Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tích hợp các giấy tờ khác để bảo đảm linh hoạt khi có thay đổi, phù hợp với việc xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, thực hiện chuyển đổi số ở nước ta.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung các quy định và các điều khoản có liên quan trong dự thảo Luật để bảo đảm thông tin tích hợp vào thẻ căn cước được chính xác, kịp thời, an toàn và hiệu quả trong khai thác và sử dụng.
Ngoài ra, việc sử dụng thẻ căn cước gắn chíp đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác.
Quy định này không xung đột với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên; việc tiếp tục cấp hoặc không cấp bản giấy các giấy tờ chứa thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước do cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đề xuất quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
Trường hợp người dân bị mất thẻ căn cước mà chưa có điều kiện thực hiện việc cấp lại thẻ thì có thể khai thác, sử dụng thông tin tích hợp qua căn cước điện tử.
PV