Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 12 - 14/4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

(
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông sửa đổi (Ảnh: quochoi.vn)

Cụ thể, trình bày Tờ trình dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, mục đích xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số; huy động các thành phần kinh tế có đủ năng lực tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: "Xây dựng và triển khai chiến lược phát triển hạ tầng thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông cho giai đoạn tới theo định hướng hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư phát triển nhanh, đi trước một bước".

Đồng thời, khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển; bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa  các thủ tục hành chính…

Trong quá trình đề nghị xây dựng, soạn thảo dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long , Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành rà soát, tổng kết, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội; tổ chức nhiều hội thảo để rà soát, đánh giá toàn diện những vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực thi, những mâu thuẫn chồng chéo của Luật Viễn thông 2009 với các luật khác nhằm sửa đổi toàn diện và đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật.

Dự thảo luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây theo nguyên tắc: Phân loại dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng trên cơ sở tham khảo định nghĩa dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng của WTO, tham khảo cách phân loại dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng của một số nước và quản lý các dịch vụ này theo pháp luật chung về viễn thông; quản lý bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Dự thảo Luật không khống chế tỷ lệ vốn góp với nhà đầu tư nước ngoài để phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam hiện nay và định hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây theo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia. Để đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cho người sử dụng, Nhà nước quản lý chặt chẽ thông qua các tiêu chuẩn kỹ thuật về hạ tầng, chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin, an ninh mạng... và các quy định về bảo vệ dữ liệu theo Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và pháp luật có liên quan…

Dự thảo Luật bổ sung quy định quản lý việc cung cấp dịch vụ viễn thông (trong đó có dịch vụ vệ tinh) xuyên biên giới vào Việt Nam theo nguyên tắc: Nội luật hóa cam kết quốc tế: việc cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới đến người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam; Đảm bảo an toàn, an ninh khi cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới thông qua các yêu cầu kỹ thuật. 

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định quản lý hoạt động bán buôn trong viễn thông theo nguyên tắc kết hợp giữa pháp luật quản lý cạnh tranh chung và pháp luật chuyên ngành viễn thông để thúc đẩy phát triển thị trường bán buôn. 

Cùng với đó, dự thảo Luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet trong viễn thông theo nguyên tắc: phân loại dịch vụ dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng và quản lý theo khung pháp luật chung về viễn thông; quản lý bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài…

Minh An (Th)