Các tình nguyện viên đến từ Trường Đại học Y George Washington, Phòng khám Hope của Trung tâm Tiêm chủng Emory, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson và Trung tâm Khoa học Y tế của Đại học Texas tại San Antonio, Mỹ đã là tình nguyện viên đầu tiên cho loại vaccine này.

Đây là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một của vaccine này. Thử nghiệm có tên IAVI G002, được thực hiện dưới sự hợp tác của tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận IAVI và Moderna.

Thử nghiệm giai đoạn một đang được tiến hành tại Mỹ, đối tượng là 56 người trưởng thành khỏe mạnh, âm tính với HIV. Mục tiêu của giai đoạn này là nghiên cứu tính an toàn, hiệu quả của vaccine. 48 tình nguyện viên sẽ được nhận ít nhất một liều vaccine. 32 người được tiêm nhắc lại. 8 người còn lại sẽ nhận thêm liều tăng cường.

Trong thử nghiệm này những người tham gia được tiêm một chất sinh miễn dịch - chất có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch - và thời gian sau họ sẽ được tiêm thêm một chất sinh miễn dịch tăng cường. Công nghệ mRNA sẽ được sử dụng để đưa các chất sinh miễn dịch vào cơ thể.

Mặc dù đã tiến hành nghiên cứu trong 04 thập niên qua, các bác sĩ vẫn chưa phát triển được loại vaccine để bảo vệ con người trước virus HIV gây bệnh AIDS, vốn cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người trên thế giới mỗi năm. Tuy nhiên, hy vọng đã dấy lên với sự thành công của công nghệ mRNA cho phép phát triển vaccine ngừa Covid-19 trong thời gian nhanh kỷ lục, bao gồm vaccine của Moderna.

Đại diện Moderna bày tỏ sự vui mừng khi trở thành người tiên phong ứng dụng nền tảng mRNA vào thiết kế, nghiên cứu vaccine HIV. “Việc tìm kiếm vaccine HIV từ lâu đã trở thành thách thức. Có thêm công cụ mới về nền tảng và chất miễn dịch có thể là chìa khóa để chúng ta đạt tới tiến bộ mới một cách nhanh chóng”, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của IAVI Mark Feinberg, cho biết trong thông cáo báo chí từ Moderna.

Trước đó, trong thử nghiệm vào năm 2021, nhóm nghiên cứu phát hiện các kháng nguyên HIV tạo ra phản ứng miễn dịch ở 97% người tham gia. Thử nghiệm hiện tại được xây dựng dựa trên thử nghiệm trước đó. Nhóm tác giả nghiên cứu phiên bản chính và bản tăng cường của vaccine, sử dụng công nghệ mRNA để đưa các chất sinh miễn dịch vào cơ thể.

Gần 38 triệu người trên toàn thế giới đang sống chung với HIV, virus gây suy giảm miễn dịch ở người, có thể dẫn đến căn bệnh có khả năng gây tử vong AIDS.

Bị chẩn đoán nhiễm HIV từng được coi là một bản án tử hình. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch AIDS vào giữa những năm 1990, có hơn 50.000 ca tử vong hàng năm.

Ngày nay, HIV dễ kiểm soát hơn nhiều nhờ các loại thuốc có thể làm giảm tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện được để virus không thể lây truyền, cũng như các loại thuốc uống có thể ngăn lây nhiễm cho những người âm tính với HIV.

Nhưng bất chấp nhiều thập kỷ nghiên cứu, vẫn chưa có loại vaccine nào được phát triển. Một số ứng viên đã tham gia thử nghiệm lâm sàng nhưng không thành công trong các giai đoạn sau.

 Nguyễn Dương