Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), vải thiều Trung Quốc bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 4, kết thúc vào cuối tháng 8.

Điều đáng lo lắng, năm nay khoảng 70% lượng vải tươi chính vụ được thu hái từ trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 7, không lệch quá nhiều so với mùa vải thiều Việt Nam. Chưa kể, nhờ thời tiết thuận lợi nên sản lượng vải thiều Trung Quốc dự báo sẽ ổn định trở lại, nguồn cung tăng.

Theo số liệu của Hiệp hội Vải thiều Quảng Đông, 99% vải tươi Trung Quốc bán trong nội địa, chỉ khoảng 1% là xuất khẩu. Trong đó, 65% được xuất khẩu từ Quảng Đông, 30% từ Hải Nam.

Xuất khẩu vải thiều Việt Nam có thể gặp khó trong bối cảnh Trung Quốc được mùaXuất khẩu vải thiều Việt Nam có thể gặp khó trong bối cảnh Trung Quốc được mùa

Ngoài ra, nửa đầu 4/2020, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát, tăng cường phòng chống dịch bệnh đối với lái xe từ Việt Nam sang giao nhận hàng hóa. Trung Quốc cũng điều chỉnh thời gian thông quan đối với hoạt động trao đổi cư dân biên giới, khiến nhiều xe hàng bị ách tắc tại cửa khẩu, trong đó chủ yếu là trái cây và nông sản.

Điều này ít nhiều gây khó khăn cho việc xuất khẩu vải thiều Việt Nam sang thị trường 1,4 tỷ dân này.

Năm 2019, do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên sản lượng vải thiều Trung Quốc giảm, nhưng năm 2020 thời tiết thuận lợi hơn nhiều và sản xuất đã trở lại bình thường sau thời gian gián đoạn bởi dịch Covid- 19. Do đó, nguồn cung vải thiều trong năm 2020 sẽ lớn hơn và điều này sẽ tác động mạnh tới giá vải thiều. Nhờ điều kiện thời tiết ổn định trong năm 2020, mùa cao điểm cũng đến sớm hơn nửa tháng. Vải thiều từ các khu vực trồng khác ở Trung Quốc dự kiến sẽ được đưa vào thị trường từ ngày 10/5/2020.

Theo một nhà cung cấp vải thiều của Trung Quốc chuyên cung cấp cho các siêu thị và chợ đầu mối, năm 2020 nhà cung cấp này sẽ cải tiến mẫu mã đóng gói vải thiều, vì bao bì là một yếu tố quan trọng nhằm mục đích thu hút người tiêu dùng Trung Quốc.

Theo yêu cầu của Trung Quốc, để xuất khẩu chính ngạch, từ tháng 5/2019, bắt buộc trên một số hoa quả, trong đó có vải thiều khi nhập khẩu vào thị trường nước này phải có bao gói, tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Với riêng trái vải, từ niên vụ 2019, Trung Quốc yêu cầu phải đóng gói trong thùng xốp có in tem chìm.

Hàng năm sản lượng vải tươi Trung Quốc đạt khoảng 1,55 triệu tấn, chiếm 50% tổng sản lượng trên thế giới nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa. Trung Quốc thị trường quan trọng của vải thiều Việt Nam. Vì vậy, không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm, mà mẫu mã bao bì cũng cần được cải tiến để người tiêu dùng quan tâm hơn.

PV