Không phải ngày Lễ Tình nhân ở quốc gia nào cũng rơi vào ngày 14/2. Đặc biệt hơn, ở mỗi nơi trên thế giới lại có cách riêng thể hiện tình cảm với nửa kia của mình.
Anh
Anh là "cái nôi" của Lễ Tình nhân với những bậc thầy sáng tác thơ ca ngợi dịp này hay nhất mọi thời đại. Món quà truyền thống ở Anh vào Valentine không phải chocolate hay hoa hồng mà là những chiếc thìa bạc.
Các cặp đôi thường trao nhau bộ thìa bạc được chạm khắc biểu tượng chìa khóa và ổ khóa, tượng trưng cho việc gửi chiếc chìa khóa mở cửa trái tim mình cho một nửa còn lại.
Những người yêu nhau tin rằng khóa một chiếc ổ khóa hình trái tim màu đỏ lên cây cầu tình yêu và ném chìa xuống lòng sông sẽ giúp “khóa chặt” tình yêu của mình.
Ngoài ra người Anh còn có một phong tục ngày Valentine đặc biệt và đáng yêu đó là nhờ những đứa trẻ hát trong dịp Lễ Tình nhân và thưởng cho chúng kẹo, hoa quả.
Pháp
Có lẽ bạn chưa biết, ở Pháp từng xuất hiện phong tục "rút thăm tình yêu" dành cho những người độc thân bất kể già, trẻ. Họ sẽ đi đến những ngôi nhà đối diện nhau và cất tiếng gọi từ cửa sổ bên này đến cửa sổ bên kia rồi sau đó sẽ kết đôi với người được chọn.
Nếu người đàn ông cảm thấy không phù hợp với người phụ nữ mình chọn, anh ta sẽ bỏ đi. Các cô gái sẽ đốt lửa để thiêu cháy hình ảnh của người đàn ông đã bỏ đi và chửi rủa anh ta thật lớn.
Sau này, phong tục đó bị bỏ, bởi nó mang đến ác ý cho người tham gia nên chính phủ Pháp phải chính thức ban hành lệnh cấm triệt để. Ngày nay, vào Lễ Tình nhân, những người yêu nhau sẽ dành trọn thời gian bên một nửa của mình và làm những điều họ thích.
Đức
Lễ Tình nhân trong tiếng tiếng Đức là Valentinstag. Chú lợn là biểu tượng may mắn và ham muốn ở đất nước này.
Các mặt hàng trang trí hình lợn được tìm thấy ở khắp nước Đức. Quà tặng ở Đức vào Valentine khá phổ biến với những ký hiệu tình yêu cùng lời nhắn yêu thương, đặc biệt là các cây kẹo mút có khắc lời ngọt ngào.
Ngoài ra, người Đức cũng làm những bánh quy gừng với thông điệp tình yêu phủ bên trên. Có thời gian người Đức cũng chọn đúng ngày Valentine cho lễ rửa tội hay kết hôn của mình. Buổi lễ thường được trang hoàng đơn giản, chủ yếu là các bài thơ hay và ý nghĩa được trình bày bằng tranh minh họa.
Tây Ban Nha
Ở xứ Valencia, Tây Ban Nha, ngày lãng mạn nhất trong năm là ngày 9/10, cùng dịp họ ăn mừng Ngày kỷ niệm Hội đồng Valencian và Ngày của Thánh Dionysius (Thánh Dionís) - người dân địa phương còn gọi là vị thánh bảo trợ của tình yêu.
Các lễ hội, diễu hành được tổ chức hoành tráng. Phái mạnh sẽ tặng người yêu món Mocadora, bánh hạnh nhân như biểu tượng của tình yêu.
Brazil
Người Brazil đón ngày lễ tình yêu có tên Dia do Namorados của riêng mình vào ngày 12/6. Vào đêm trước ngày diễn ra lễ hội, các cô gái thường viết tên các chàng trai vào những mẩu giấy. Họ tin rằng cái tên nào mà mình bắt được vào ngày hôm sau sẽ là tên người sẽ cưới hoặc ít nhất là người mà họ sẽ đi chơi cùng trong ngày tình nhân.
Trung Quốc
Ngày Valentine tại Trung Quốc diễn ra vào rằm tháng giêng.
Trong ngày này, các cặp uyên ương sẽ cùng nhau lên chùa cầu Phật và mang về một cành hoa huệ trắng. Họ quan niệm hoa của ai héo trước thì người đó yêu ít hơn.
Nhật Bản
Ở Nhật, ngày 14/2 (Valentine Đỏ) như những cô gái khác trên thế giới, phụ nữ Nhật sẽ tặng quà cho các chàng trai mình có tình cảm, thường là hoa, quà, chocolate. Ngoài người yêu, họ còn tặng chocolate cho đồng nghiệp nam, bạn trai thân thiết bình thường. Món quà này được gọi là giri choko (tạm dịch: Chocolate lịch sự) để bày tỏ sự quý mến.
Phụ nữ Nhật Bản thường rất e thẹn nên 14/2 là cơ hội để họ thể hiện tình yêu của mình. Họ tin rằng chocolate được mua ngoài tiệm không phải món quà ý nghĩa cho tình yêu đích thực, do đó họ sẽ tự tay làm chocolate.
Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, các cặp tình nhân kỷ niệm tình yêu của họ vào các ngày 14 hàng tháng. Ngoài ra, đất nước này còn có một ngày đặc biệt khác đó là 14/4 – ngày Valentine Đen hay ngày lễ tình nhân dành cho người độc thân. Trong ngày 14/4 này, những người độc thân sẽ tụ tập cùng nhau thưởng thức món mì đen jajamyeon.
Hằng Vương (t/h)