Số liệu từ Bộ Tài chính thể hiện: Có 7 bộ và 12 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên 45%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,17%); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (51,91%); Tiền Giang (63,5%), Thái Bình (57,9%), Phú Thọ (57,2%), Long An (55,1%)…
35 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 35%, trong đó có 27 bộ và 03 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% như: Hội Nhà văn (5,42%); Văn phòng Trung ương Đảng (8,96%); Bộ Ngoại giao (11,87%); Bộ Giáo dục và Đào tạo (13%); Cao Bằng (17,4%); Hà Giang (19,12%)…
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện vẫn còn trên 50.326,9 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết, chiếm 9,28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, có trên 49.915,3 tỷ đồng là vốn trong nước và trên 411,5 tỷ đồng là vốn ODA.
Cụ thể, số vốn chưa được các bộ, cơ quan Trung ương phân bổ chi tiết là trên 7.124,3 tỷ đồng; chiếm 6,44% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân là các bộ, cơ quan Trung ương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025.
Số vốn do các địa phương chưa phân bổ là trên 43.202,5 tỷ đồng; chiếm trên 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân là một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau.
Bộ Tài chính mới chỉ nhận được 36/52 địa phương báo cáo giao kế hoạch vốn thực hiện cho các đơn vị trực thuộc. Có 9/36 địa phương phân bổ vốn chi tiết theo danh mục dự án đầu tư làm cơ sở giải ngân kế hoạch vốn là: Bến Tre, Bình Phước, Điện Biên, Quảng Ngãi; Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai và Kon Tum.
Công Huy (t/h)