Giá vàng thế giới lao dốc
Giá vàng thế giới giảm mạnh do nhà đầu tư bán chốt lời trước thời điểm Mỹ công bố nhiều số liệu kinh tế quan trọng, được cho là sẽ ảnh hưởng đến triển vọng giảm lãi suất năm nay.
Giảm tới hơn 30 USD/ounce chỉ trong một phiên, giá vàng thế giới lại trở về dưới mốc 2.400 USD/ounce. Diễn biến này được nhà phân tích thị trường cấp cao Kelvin Wong tại OANDA nhận định: "Từ góc độ kỹ thuật, giá có thể còn xuống thấp hơn". Ông cho biết, nhìn vào các yếu tố nền tảng, sẽ thấy không có thành phần nào đang gây sức ép lên vàng. Vì thế, nguyên nhân nhà đầu tư đang bán chốt lời là thuyết phục nhất.
Chris Gaffney, Quan chức cấp cao tại Ngân hàng EverBank cho rằng, kỳ vọng của thị trường về khả năng Fed có thể quyết định cắt giảm lãi suất sớm hơn tháng Chín chính là nhân tố hỗ trợ đà tăng cho giá vàng hiện nay. Theo công cụ CME FedWatch Tool, thị trường dự đoán có 100% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Chín.
Khảo sát mới nhất của Reuterschỉ ra rằng, kim loại quý được dự báo lập đỉnh mới ngay trong các tháng tới. Trong khi đó, báo cáo gần đây của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) thì nhận định: "Bất ổn liên quan đến bầu cử Tổng thống tại Mỹ và các mối đe dọa về địa chính trị trên toàn cầu sẽ tác động đến môi trường vĩ mô. Nhà đầu tư muốn phòng trừ rủi ro sẽ tìm đến vàng".
BRICS+ mua vàng với tốc độ chưa từng có
Trong đó, các ngân hàng Trung ương thuộc Nhóm BRICS+ và các nước trung lập đang mua vàng với tốc độ chưa từng có. Giám đốc điều hành Vahan Roth của Swissgrams AG, cho rằng, việc tăng giá của vàng không có gì đáng ngạc nhiên do tình hình bất ổn địa chính trị đang diễn ra. Hàng loạt yếu tố từ bất ổn chính trị, lạm phát và việc vũ khí hóa đồng USD đều đang củng cố sức hấp dẫn của vàng.
Trong một phân tích mới đây, ông Roth lưu ý, việc vàng tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại mới là 2.480 USD/ounce vào ngày 17/7 cho thấy những động thái chiến lược của các ngân hàng trung ương thuộc BRICS+ và các quốc gia khác trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và kinh tế. “Đây là một bước nhảy vọt đáng kể so với kỷ lục trước đó là 2.075 USD, được thiết lập vào tháng 8/2020, trong bối cảnh sự bất ổn do đại dịch gây ra và kéo theo đó là nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn”, chuyên gia này viết.
Ông nói: “Có hai cuộc xung đột đang diễn ra – ở Ukraine và Trung Đông – và một trong hai (hoặc cả hai) đều có thể leo thang bất cứ lúc nào thành một cuộc xung đột quốc tế rộng lớn hơn”. Căng thẳng chính trị xã hội, chia rẽ sâu sắc về ý thức hệ và sự phân cực nguy hiểm đang trở thành thông lệ trên toàn thế giới.
“Trong khi đó, các cuộc bầu cử có ảnh hưởng to lớn đang diễn ra trong năm nay: Ở Ấn Độ, Vương quốc Anh và những người đương nhiệm trong Liên minh Châu Âu (EU) đã mất đi ảnh hưởng... và cả cuộc bầu cử tổng thống khó lường vào tháng 11 ở Mỹ đang đến gần hơn...”.
Vị Giám đốc của Swissgrams AG nói rằng, kim loại màu vàng đang hoạt động chính xác như mong đợi trong hoàn cảnh này. “Khi sự nghi ngờ và sự không chắc chắn ngự trị, các nhà đầu tư đổ xô đến những nơi trú ẩn an toàn an toàn nhất – trong những thời điểm đen tối và bất ổn, đó là lúc vàng tỏa sáng một cách đáng tin cậy và có thể đoán trước được”.
Tuy nhiên, chuyên gia Roth lại chỉ ra một điểm rất đáng chú ý trên thị trường vàng lúc này. Đó là nhu cầu thúc đẩy những mức giá cao kỷ lục mới không phải đến từ người tiêu dùng hay nhà đầu tư. “Xu hướng mua vàng của các ngân hàng Trung ương mới là động lực chính thúc đẩy giá vàng tăng vọt, điều này thật thú vị”, ông nói.
Trích dẫn dữ liệu mới nhất của WGC cho thấy, trong quý I, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bổ sung thêm 27 tấn vào kho dự trữ vàng; Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tăng lượng nắm giữ thêm hơn 30 tấn; Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ mua 19 tấn; và Ngân hàng quốc gia Kazakhstan bổ sung thêm 16 tấn...
Nguồn Reuters