Sẵn sàng... “bao lỗ”

Theo chỉ dẫn, phóng viên tìm đến địa chỉ ấp An Hòa, xã An Khánh (Châu Thành, Đồng Tháp). Đây là một trong 2 trang trại chính của Công ty TNHH TM & DV Heo rừng, do anh Đoàn Phan Dinh làm Giám đốc.

Đây là một trang trại có quy mô 2.000 mvới trên 1.000 con heo từ heo giống nái, heo thương phẩm và heo con; có 4 khu biệt lập phù hợp cho từng giai đoạn heo tăng trưởng.

Về Đồng Tháp hỏi thăm thương hiệu “heo rừng miền Tây” - Hình 1

Kỹ sư Đoàn Phan Dinh đang cho bầy heo giống ăn những thức ăn sẵn có tại địa phương

Anh Dinh cho biết: “Mỗi giai đoạn, heo đều phải có môi trường phù hợp nên chuồng trại, thức ăn đều phải có những tiêu chuẩn riêng. Trang trại đã áp dụng 2 công nghệ mới là công nghiệp vi sinh và sinh học hữu cơ kết hợp thuốc thảo dược. Chính vì thế, con heo đảm bảo tuyệt đối an toàn không chất gây hại để cung cấp ra thị trường”.

Anh "bật mí": Mô hình trang trại theo một quy chuẩn của “heo rừng miền Tây” - là một yếu tố đặc biệt giúp đảm bảo tuyệt đối điều kiện vệ sinh môi trường trong trang trại và xung quanh. Chuồng heo ở đây, sử dụng đệm lót sinh học với lớp dưới cùng là đất mặt, lớp giữa là 20 cm cát, phía trên là 20 cm trấu, nhằm hạn chế mùi hôi, hạn chế dịch bệnh.

Ngoài ra, để cho đệm lót không bị xơ cứng, anh Dinh còn thả gà vào chuồng nuôi nhằm bới trấu lên cho men phát triển.

Khi hỏi về lý do "vì sao lại chọn heo rừng để khởi nghiệp?", anh Dinh bộc bạch: "Heo rừng là loài động vật hoang dã nên sức đề kháng tốt, thức ăn dễ tìm, quy trình nuôi, cách chăm sóc cũng không quá khó nên mô hình này dễ nhân rộng ở nhiều địa phương.

Vì là động vật hoang dã, dễ nuôi, đa phần chúng tự phối giống, tự sinh sản, đặc biệt chúng rất ít bị bệnh, khiến người nuôi đỡ vất vả. So với nuôi heo cỏ thì heo rừng khỏe hơn rất nhiều”.

Đến nay, đã có gần 30 trang trại khắp ĐBSCL phối hợp với công ty của anh Dinh để nuôi heo rừng với quy mô liên kết theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Để đảm bảo đầu ra luôn ổn định, anh Dinh còn đề ra các phương án hợp tác làm với nhiều hình thức như nuôi gia công hưởng phần trăm, bán heo giống và bao tiêu sản phẩm... Tuy nhiên, heo phải đạt chất lượng theo các tiêu chí nhất định, đặc biệt là phải được nuôi bằng thức ăn tự nhiên.

Cái mạnh dạn của mô hình liên kết này đó là anh Dinh sẵn sàng bao tiêu giá và “bao lỗ”. Tuy nhiên, phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật mà công ty đề ra: Hàng tháng, nhân viên đến hỗ trợ và theo dõi qua hệ thống camera giám sát.

“Người nuôi có lời, người ăn có lợi”

Với phương châm “Người nông dân có thu nhập thì doanh nghiệp mới phát triển”, chiến lược phát triển kinh doanh của chàng trai 9x Đoàn Phan Dinh đã giải quyết được bài toán kinh tế cho nhiều hộ nông dân trong vùng.

Về Đồng Tháp hỏi thăm thương hiệu “heo rừng miền Tây” - Hình 2

Những chú heo rừng đảm bảo thuần chủng, chất lượng - sẽ được cung cấp trên thị trường

Trước câu hỏi "tại sao dám “bao lỗ” đối với những người nuôi ký kết hợp đồng 3 năm với mình?", anh Dinh nhận định: “Giá cả heo rừng trên thị trường thời gian qua rất ổn định, giao động 100.000 đồng/kg heo hơi nên với thời gian nuôi từ 4 – 6 tháng cho heo xuất chuồng giao động ở 25 – 35 kg/con, thì người dân hoàn toàn có lãi”.

Ngoài ra, những bệnh thường xuất hiện trên heo, sẽ được giải quyết bằng thuốc thảo dược, vì thế, heo hoàn toàn không có chất kháng sinh hay chất gây hại khác. Riêng trong năm 2016, gần 20 tấn heo giống và heo thịt đã đem đến cho anh lợi nhuận, trừ hết chi phí không dưới 3 tỷ đồng! Năm 2017, ước tính, tổng thu nhập toàn hệ thống trang trại liên kết khoảng là 100 tỷ đồng.

Định hướng sắp tới của anh Dinh là mở rộng mô hình trang trại này khắp vùng ĐBSCL và xây dựng tổ hợp tác chăn nuôi để tìm thêm nguồn hỗ trợ phát triển kinh tế của Nhà nước.

Anh Dinh tâm sự: “Nhìn lại chặng đường từ lúc còn là học sinh tới khi hình thành ý tưởng và thực hiện, thì dường như mình đã gắn bó với ngành chăn nuôi từ lúc nào... Theo học đại học ngành chăn nuôi thú y, cũng có thể coi là "nhà khoa học" rồi nhá. Vừa là chủ trang trại, đồng thời cũng tự nuôi heo thì có phải là một nhà doanh nhân và một nhà nông không? Nên bản thân trong tôi đã hội tụ đầy đủ... "3 nhà"... (cười)”.

Sắp tới, để tạo chất lượng đồng loạt cho heo rừng ở khu vực miền Tây, Công ty TNHH TM & DV Heo rừng sẽ mở các lớp chia sẻ kinh nghiệm, cũng như cung cấp nguồn giống và bao tiêu sản phẩm. Việc làm này, với mong muốn tiếp tục đưa ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mang đến lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Kỹ sư Đoàn Phan Dinh (sinh năm 1991), tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư chăn nuôi thú y - Trường Đại học Cần Thơ - "bén duyên" với nghề nuôi heo rừng thông qua sách báo. Đây cũng là một trong những ước mơ lớn của chàng sinh viên nghèo. Website: heorungmientay.com đang được hàng triệu lượt truy cập. Giấc mơ của anh - thương hiệu này sẽ không chỉ dừng ở miền Tây...

Huy Diệu