Ở chuyến đi lần trước, những gì đọng lại trong tôi về một Lạc Sơn có vẻ đẹp núi non hùng vĩ, với những ruộng bậc thang vàng ruộm đặt trên nền xanh của núi rừng nguyên sinh huyền bí xứ Mường Vang, với những âm thanh trầm bổng của tiếng chiêng cồng,…., và hơn cả là câu chuyện về quan lang Quách Vị và nàng dâu là hoa hậu đầu tiên của xứ Mường còn bỏ dở đã thôi thúc tôi tìm hiểu sâu hơn về mảnh đất này.
May mắn thay, trong chuyến đi này tôi đã gặp được anh Hùng, một người công tác tại Phòng văn hóa huyện Lạc Sơn và nghệ nhân Bùi Huy Vọng, một nhà nghiên cứu am hiểu sâu sắc về văn hóa Mường.
Anh Hùng chia sẻ: "Chúng ta sẽ đến thăm hậu duệ của quan lang Quách Vị và cùng nhau dâng hương lên mộ bà Hà Thị Tẻo, một giai nhân tuyệt sắc của xứ Mường một thời." Lời mời ấy đối với tôi như một lời mời khám phá một kho tàng văn hóa ẩn sâu trong lòng núi rừng Tây Bắc.
Chuyện về cô hoa hậu đầu tiêu của xứ Mường
Từ thị trấn Vụ Bản - thủ phủ của Lạc Sơn, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình tìm hiểu dấu tích về vị quan lang Quách Vị. Tranh thủ quãng đường di chuyển, tôi tìm hiểu thêm thông tin về vị quan lang này, về câu chuyện gắn liền với cô con dâu quê gốc Hà Thành đã từng là giai thoại về một mỹ nữ “chim sa cá lặn” một thời.
Theo đó, cô Tẻo sinh năm 1917 tên thật là Hà Thị Tẻo, có cha là người Việt gốc Hoa, mẹ quê ở Hà Nội. Cha cô vốn là một đầu bếp trong nhà của Quách Vị – quan lang nổi tiếng giàu có của xứ Mường. Sau khi trở thành con nuôi của Quách Vị, Hà Thị Tẻo đã đổi thành họ Quách. Dù có hơn 10 người vợ và hàng chục đứa con nhưng vị quan lang này lại rất có thiện cảm với cô con gái nuôi ngay từ lúc còn nhỏ.
Năm 1933, một cô gái xứ Mường Vang 16 tuổi đã làm rung động khắp vùng khi đăng quang Hoa hậu. Đó là Quách Thị Tẻo, với vẻ đẹp tựa hoa rừng, cô đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý, khi cô là người con gái xứ Mường đầu tiên đăng quang cuộc thi sắc đẹp.
Và rồi số phận của Tẻo đã rẽ sang một hướng khác khi cô trở thành vợ của chính người anh nuôi mình, quan tri châu Quách Hàm năm cô 19 tuổi. Dù là vợ bốn, nhưng Tẻo vẫn được chồng hết mực yêu chiều. Cuộc sống của cô trở nên xa hoa, nhung lụa.
Câu chuyện về Hoa hậu xứ Mường Quách Thị Tẻo đã trở thành một giai thoại được nhiều người truyền tai nhau. Cuộc đời của cô là một minh chứng cho sự thăng trầm của số phận, cho vẻ đẹp mong manh và sự phù du của danh vọng.
Bởi, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi chế độ nhà lang sụp đổ, ông Quách Hàm được Ban cán sự tỉnh Hòa Bình cử làm cố vấn vì đã có công vận động các nhà quan lang cùng tầng lớp thống trị cũ ở khắp xứ Mường tham gia cách mạng.
Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông Quách Hàm được cử làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Hòa Bình. Hòa bình lập lại, năm 1954, ông Hàm về nghỉ hưu, rồi mất tại quê nhà vào năm 1956.
Ông Hàm mất để lại bà Tẻo cùng 3 người con (2 gái, 1 trai). Hoa hậu Tẻo đã vô cùng vất vả nuôi đàn con, nhất là vào thời điểm đó, hòa bình đã lập lại (sau năm 1954) và bao nhiêu xa hoa của dòng dõi quan lang đã tan biến hoàn toàn.
Cũng kể từ đó, cuộc đời của Hoa hậu xứ Mường Quách Thị Tẻo như một câu chuyện cổ tích có thật, nhưng lại có một kết thúc buồn. Hoa hậu xứ Mường đã nằm trong đất lạnh vào năm 1984, cuộc đời khép lại ở tuổi 68. Cái tên Hoa hậu xứ Mường giờ đây chỉ còn là một kỷ niệm xa xưa, như một giai thoại về người con gái tươi trẻ, rực rỡ như đóa hoa rừng một thời của xứ Mường Vang.
Tìm lại dấu tích gia đình quan lang họ Quách
Con đường ngoằn nghèo ẩn hiện giữa đám sương mù còn sót lại trong buổi sớm mùa đông như càng làm cho quãng đường đến với xứ Chiềng Vang thêm gần hơn. Ngót chừng ba chục phút di chuyển từ trung tâm huyện Lạc Sơn, chúng tôi đã đến trụ sở UBND xã Tân Lập.
Nhanh nhẹn bước xuống xe, nghệ nhân Bùi Huy Vọng khoát tay bao quát toàn cảnh trụ sở Uỷ ban rồi nói: “Nơi đây trước kia là dinh thự của gia đình quan lang Quách Vị”. Nói là “dinh thự”, nhưng là khu nhà sàn rất lớn và kiên cố theo kiểu kiến trúc của người Mường xưa.
Theo nghệ nhân Bùi Huy Vọng, tại khuôn viên của UBND xã Tân Lập ngày nay, trước kia có khoảng hơn hai chục nhà sàn, được kết nối với nhau bằng các hành lang đi lại khép kín, lợp bằng mái tranh nứa kiên cố. Trong đó, có 2 ngôi nhà sàn rất lớn của gia đình Chánh quan lang Quách Vị. Theo tư liệu để lại, với bức ảnh chụp lúc đám tang vị quan lang này, ông đếm được có tổng cộng 49 người xếp hàng ngang trước ngôi nhà mà vẫn chưa hết bề rộng của 2 ngôi nhà sàn ấy.
Cũng cần phải nói thêm rằng, xứ Mường Hòa Bình xưa kia, cùng với 4 mường: Bi, Vang, Thàng, Động là các dòng họ lớn: Đinh, Quách, Bạch, Hoàng nối đời làm Lang cai quản. Đối với từng dòng họ thì con trai trưởng làm Lang Cả, con trai thứ làm Lang em chia nhau đi Ăn Lang (cai quản) từng vùng. Toàn tỉnh có một Hội đồng quan Lang gồm 12 thành viên. Trong đó đứng đầu là Chánh quan lang mà quyền thế như ông vua một vùng. Gia đình Chánh quan lang Quách Vị là một minh chứng cho sự thịnh vượng và quyền lực ấy.
Theo sự hướng dẫn của cán bộ xã, men theo con đường xóm Chiềng 1 cạnh khu Uỷ ban xã, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình đến thăm gia đình ông Quách Phiếm – cháu nội đích tôn của bà Tẻo và là chắt nội của vị Chánh quan lang Quách Vị.
Khác xa với trí tưởng tượng của tôi về một xóm vùng núi với nếp nhà sàn đặt trên những mảnh đất rộng rãi, thì tại xóm Chiềng 1, những ngôi nhà sàn tại đây lại được đặt san sát nhau một cách có trật tự khiêm tốn về diện tích. Trong đoàn, nhiều người còn nói đùa: “Ở đây không khác phố cổ là mấy, diện tích đất ở rất khiêm tốn, với nhiều nếp nhà cổ kính có tuổi đời hàng trăm năm rồi”.
Đón chúng tôi là ông Quách Phiếm cháu nội đích tôn của bà Tẻo, dù đã ngoài 60, nhưng dáng người cao, đậm, giọng nói trầm hùng đầy nội lực đã khiến tôi ấn tượng mãi về ông.
Biết được mục đích chuyến đi của chúng tôi, ông Phiếm cũng không ngần ngại chia sẻ thêm về lịch sử của gia đình ông. Theo đó, ông là cháu nội đích tôn của bà Hà Thị Tẻo (hay còn gọi là Quách Thị Tẻo). Tuy không được sống trong thời kỳ vàng son của dòng tộc, nhưng ông sinh sống cạnh bà nội từ nhỏ, nên những gì về bà ông đều biết rất rõ.
Khi được hỏi về những kỷ vật còn sót lại của một gia đình danh giá một thời xứ Mường Vang, ông chỉ tay vào chiếc gương dựng giữa nhà: “Tài sản để lại chỉ còn chiếc gương do vua Bảo Đại tặng cụ nhà tôi (quan lang Quách Vị - PV) và nhiều bức ảnh của gia đình treo trên tường kia”.
Nói về người bà của mình, nhấp ngụm trà nóng, ông Phiếm nói: “Bà nội tôi là người Kinh nhưng khoản thêu dệt thổ cẩm, bà là người rất khéo léo và nổi tiếng cả vùng, bà nói tiếng Mường rất giỏi. Ấn tượng về bà là người rất nghiêm khắc trong việc nuôi dạy con cháu.”
Theo lời ông Phiếm, bà Hà Thị Tẻo sinh ra và lớn lên tại 38 phố Huế (Hà Nội) trong một gia đình buôn bán. Do công việc không thuận, gia đình bà đành phải ly tán và bà theo cha lên Hòa Bình và nhận làm con nuôi của cụ quan lang Quách Vị rồi ở lại đây cho đến năm 1984 thì qua đời.
Nhắc đến câu chuyện hôn nhân của ông bà nội, ông Phiếm nhẹ nhàng đính chính: “Có người nói cụ Quách Vị phản đối chuyện hôn nhân này, nhưng điều đó là không đúng. Quan hệ anh em nuôi giữa ông bà nội không ảnh hưởng đến hôn sự này. Những câu chuyện thêu dệt trong các tác phẩm trước đó có nhiều tình tiết không đúng với thực tế”.
Dẫu dòng tộc đã qua thời hoàng gia, nhưng trong lòng ông Quách Phiếm, những cái tên như cụ Quách Vị, Quách Hàm và hoa hậu Quách Thị Tẻo vẫn là niềm tự hào của ông và các thành viên trong gia đình ông. Những ký ức ấy như dòng chảy của thời gian, trong mát, tiếp mãi trong câu chuyện dòng họ Quách nơi xứ Mường Vang một thời hùng cường, tráng lệ.
Sau hồi nghe những câu chuyện về dòng tộc họ Quách xứ Mường Vang, chúng tôi xin phép được ra mộ thắp nén nhang cho cụ Hà Thị Tẻo, giai nhân vùng Tây Bắc một thời.
Dưới tiết trời mưa phùn, cảnh vật càng thêm mờ ảo hơn như muốn cất giấu những ngôi nhà sàn nằm san sát nhau phủ đầy rêu phong cổ kính. Ít ai biết được rằng, nơi đây từng tồn tại một gia đình quan lang lẫy lừng một thời với nhiều giai thoại nổi tiếng vùng Tây Bắc. Rảo bước trên con đường được bao phủ dưới cơn mưa phùn nhẹ đang mở dần cảnh vật trước mắt, mỗi bước chân của chúng tôi như một khám phá mới lạ về cảnh sắc và con người nơi đây…
Thành Nam