Trong bản mô tả công việc của VFF ghi rõ yêu cầu ứng viên không những phải thông thạo tiếng Hàn mà còn phải nắm được những kiến thức cơ bản về bóng đá bằng tiếng Hàn, ngoài ra ứng viên còn phải biết thêm tiếng Anh. Cũng giống như thường lệ, HLV Park Hang Seo sẽ trực tiếp kiểm tra năng lực này của các ứng viên.
Đây là lần thứ 3 trong vòng hơn 1 năm qua, HLV Park Hang Seo có sự thay đổi về các trợ lý ngôn ngữ. Khi mới đến Việt Nam nhận nhiệm vụ, HLV Park chọn ông Lê Huy Khoa làm thông dịch tiếng Hàn, cùng một trợ lý tiếng Anh là Lee Young Sub.
HLV Park Hang-seo cần một trợ lý để trao đổi với cầu thủ. (Ảnh minh họa)
Trước sự kiện AFF Suzuki Cup 2018, ông Lê Huy Khoa bất ngờ chia tay đội tuyển và người lên thay thế là Phan Duy Tuấn. HLV Park lúc này cũng tuyển một trợ lý tiếng Anh khác là ông Chung Kyu Jin.
Lý do của sự chia tay này chưa rõ là do ông Tuấn chủ động xin rút hay do yêu cầu phải cao hơn của thầy Park khi thấy vị trợ lý ngôn ngữ này chưa đáp ứng được những vấn đề mà ông đặt ra. Chẳng hạn cần có người dịch sát nghĩa hơn, am hiểu bóng đá sâu sắc hơn để truyền đạt từng ý tưởng và “hơi thở” của người cầm quân đến mỗi cầu thủ và thành viên đội tuyển một cách cặn kẽ và chi tiết nhất. Nhưng dù là nguyên nhân nào thì việc phiên dịch cho một đội tuyển bóng đá sẽ áp lực hơn rất nhiều so với việc phiên dịch thông thường.
Rõ ràng sự rút lui của ông Tuấn buộc VFF đang khẩn trương tìm trợ lý ngôn ngữ cho HLV Park. Người am hiểu và dịch tốt tiếng Hàn ở Việt Nam không thiếu, thậm chí có rất nhiều người giỏi. Nhưng để dấn thân làm công việc thầm lặng và khá “nặng nề” này không hề đơn giản, đòi hỏi sự đam mê và hết mình với công việc, đôi khi cũng phải sẵn sàng tâm lý một cách tốt nhất cho một trách nhiệm lâu dài.
Hằng Vương (t/h)