Thanh toán onlie nhanh chóng, tiện lợi
Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát nguy hiểm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo mọi người nên rửa tay sạch thường xuyên hơn và nên ngừng giao dịch bằng tiền mặt nếu có thể vì tiền giấy có thể là một nguồn lây nhiễm Covid-19.
Theo nghiên cứu của Đại học New York (Mỹ), trên mỗi đồng tiền mặt có khoảng 3.000 vi khuẩn khác nhau sinh sống, tiềm ẩn nguy cơ gây các bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, virus gây ra Covid-19 có thể tồn tại ngoài vật chủ tới 9 ngày và bám trên các bề mặt của vật dụng. Những thông tin này khiến người tiêu dùng ái ngại phương thức thanh toán truyền thống bởi tiền mặt có thể trở thành nguồn lây bệnh tiềm ẩn nếu có người nhiễm và truyền virus vào tiền thông qua tiếp xúc, nhất là với thói quen sử dụng tiền mặt ở Việt Nam hiện nay.
Qua khảo sát của phóng viên, trong thời gian gần đây, nhu cầu thanh toán online của người tiêu dùng ngày một gia tăng; đặc biệt là sự phát triển của các loại ví điện tử như: MoMo, AirPay, ZaloPay,... với hàng loạt những ưu đãi hấp dẫn kích thích nhu cầu của khách hàng khi mua sắm qua các trang mạng điện tử. Bên cạnh mặt hàng quần áo, người dân có thể tìm kiếm được mọi sản phẩm khác nhau từ các nhu yếu phẩm thường ngày đến đồ gia dụng, điện tử. Cùng với đó, thay vì phải đi chợ trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp những người nội chợ có thể thoải mái với "giỏ đồ" qua việc đi chợ online bằng ứng dụng VinID. Ngoài ra, việc thanh toán trực tuyến mọi dịch vụ cần thiết từ mua vé xem phim, thanh toán hóa đơn điện nước, mua thẻ điện thoại, dịch vụ… cũng có thể thanh toán một cách nhanh chóng trên chiếc điện thoại di động.
Chị Yến hiện đang làm nhân viên văn phòng ở quận Đống Đa cho biết, trước đây thường có thói quen thanh toán bằng tiền mặt khi đi siêu thị nhưng do tình hình dịch bệnh ngày càng nguy hiểm chị đã chuyển qua mua sắm online tại nhà và chuyển qua hình thức thanh toán bằng ví điện tử để giảm tối đa việc tiếp xúc với tiền mặt.
Đồng tình với quan điểm trên, anh Nhật chủ một cửa hàng cây ở Hà Nội cho biết, trước tình hình dịch bệnh lượng khách đến mua trực tiếp tại cửa hàng có giảm hơn so với trước nhưng lượng người đặt hàng trên mạng và thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu tăng nhiều hơn trước. Bên cạnh đó anh cũng áp dụng nhiều chương trình khuyến mại cho khách hàng khi đặt hàng qua mạng để tránh tiếp xúc tối đa cho người mua cây đến tận cửa hàng.
Để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm của dịch Covid-19, Nhà nước cũng khuyến khích người dân tăng cường việc thanh toán online thay vì giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt.
Nhiều ngân hàng áp dụng chính sách miễn phí giao dịch trực tuyến
Theo khảo sát của phóng viên, thay vì tăng phí và gặp phản ứng từ khách hàng như trước, nhiều ngân hàng đã chuyển hướng sang miễn giảm phí nhằm kích thích nhu cầu sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ và nhất là thanh toán điện tử khi thị trường đang "chạy đua" trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều quan tâm lớn của người dùng khi sử dụng dịch vụ thẻ ngân hàng chính là vấn đề về các loại phí và đặc biệt là phí giao dịch. Chính vì vậy, sự cạnh tranh giữa các "ông lớn" ngày một mạnh mẽ để có thể thu hút được khách hàng lựa chọn và sử dụng dịch vụ của mình.
Bên cạnh các ngân hàng áp dụng chính sách phí 0 đồng như: Techcombank, VIB, TPBank, MB, Nam A Bank…; thì nhiều ngân hàng trong nhóm dẫn đầu thị trường cũng đã “bắt kịp xu thế” như: BIDV, Vietcombank, Vietinbank... Có thể thấy được "cuộc đua" này ngày một cạnh tranh ác liệt hơn đòi hỏi sự nhanh nhạy, bởi nếu không thị phần của ngân hàng mình sẽ bị thụt lùi ở phía sau.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng đánh giá một cách khách quan về vấn đề này: “Giảm một chút phí, hay miễn giảm một vài loại phí dịch vụ nhất định cũng tạo cơ hội mở rộng thêm tệp khách hàng”. Đây cũng là một trong những cơ hội để thanh toán trực tuyến phát triển.
Qua thống kê tại các ngân hàng, việc chuyển tiền online và rút tiền từ thẻ ATM là 2 trong số những giao dịch được khách hàng sử dụng nhiều nhất trong giao dịch ngân hàng. Do đó, động thái giảm phí dịch vụ, thậm chí phí 0 đồng để lôi kéo khách hàng đến với ngân hàng, từ đó sử dụng thêm nhiều sản phẩm dịch vụ khác là dễ hiểu.
Cùng với đó, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước đều đánh giá thanh toán online mang đến nhiều lợi ích như người mua thanh toán đúng số tiền phải trả, thanh toán nhanh, thuận tiện qua các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính... Đặc biệt, người mua đảm bảo an toàn sức khỏe khi hạn chế tiếp xúc nơi đông người trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước đánh giá các ngân hàng đang nỗ lực đầu tư và cải tiến dịch vụ thanh toán, nhất là phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Huyền Cao