Nhiều năm qua, đặc biệt là từ 2020 đến nay, Bộ Y tế có nhiều văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị không cho phép sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng có các văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Công an và các địa phương về việc đề nghị cấm sản xuất, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thuốc lá; đề xuất các biện pháp để ngăn chặn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã hỗ trợ và đồng hành với nhiều trường đại học và các tỉnh, thành nghiên cứu về tác hại của thuốc lá thế hệ mới với sức khoẻ con người. Hầu hết các công trình nghiên cứu với cỡ mẫu 3.000 người, thậm chí trên 60.0000 người. Kết quả nghiên cứu như vậy là đầy đủ tính khoa học để kết luận rằng không được phép sử dụng thuốc lá thế hệ mới.
Tuy nhiên, tại Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng của Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn Hóa, Giáo dục Quốc hội vào sáng 4/5/2024, trong khi Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thì Bộ Công Thương lại muốn cho phép thí điểm quản lý loại thuốc lá này.
Tại phiên giải trình, các đại biểu đặt vấn đề: Trong khi Bộ Y tế đề nghị cấm, còn Bộ Công Thương lại đề nghị thí điểm quản lý. Vậy, Bộ Công Thương căn cứ vào đâu đề xuất việc này? Bộ đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đề xuất này?...
Tiếp sau ý kiến của Bộ Y tế về thuốc lá thế hệ mới, đại biểu Quốc hội, GS. Nguyễn Anh Trí, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội nói: “Điều khiến tôi ngạc nhiên là tại sao Bộ Công Thương lại đề xuất thí điểm cấp phép cho loại sản phẩm độc hại là thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử? Với những kết quả nghiên cứu khoa học mà Bộ Y tế đã đưa ra thì không thể thí điểm. Với tư cách một người thầy thuốc, tôi khẳng định không thể nhân nhượng dù là một chút”, GS. Trí nói.
Về vấn đề, trong những năm qua, Bộ Y tế có nhiều văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Công an và các địa phương… đề nghị không cho phép sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: "Điều đó cho thấy, Bộ Y tế đã có quan điểm rất rõ ràng và rất kiên định, đồng thời, cũng rất trách nhiệm, rất khoa học và quyết liệt trong việc đề nghị nghiêm cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhằm bảo vệ sức khoẻ nhân dân", GS. Trí nói.
Cũng theo đại biểu Quốc hội, GS. Nguyễn Anh Trí: Tất cả các kết quả nghiên cứu về tác hại của thuốc lá đã gửi các bộ, ngành, trong đó chỉ ra vấn đề quan trọng là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã lan nhanh trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng rất có hại, một cách toàn diện, rõ ràng. "Các nghiên cứu khoa học đã rõ ràng thế rồi. Bây giờ đừng thảo luận về việc thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có hại hay không. Làm sao có thể tìm ra ưu điểm gì trong các sản phẩm này?", GS. Trí đặt câu hỏi.
Được biết, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đánh trực tiếp vào sức khoẻ con người với đối tượng chính là giới trẻ. Thuốc lá thế hệ mới chẳng những không hạn chế được thuốc lá thông thường, mà còn kích thích để giới trẻ nghiện thuốc lá thông thường vì nicotin là chất gây nghiện, được phối trộn nhiều chất gây ung thư, chất gây nghiện. Các thống kê cho thấy thuốc lá thế hệ mới đã có hơn 3 vạn chất phối trộn, trong đó hơn 3.000 chất gây nghiện "nên không cần phải đặt câu hỏi là nó có hại hay không”. Do vậy, GS. Nguyễn Anh Trí đồng tình với đề xuất của Uỷ xã hội của Quốc hội, Bộ Y tế và WHO là cấm cấm hoàn toàn việc sản xuất, buôn bán, lưu thông, tàng trữ và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
“Vì sức khoẻ của nhân dân, tương lai của giống nòi, văn minh đất nước và sự cường thịnh của quốc gia, đề nghị Chính phủ và Quốc hội thống nhất cấm triệt để thuốc lá thế hệ mới, dưới dạng một nghị quyết, hoặc nếu được thì sửa đổi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá theo một quy trình rút gọn”, GS. Nguyễn Anh Trí nói.
Minh An(t/h)