Theo ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch UBND TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam, sau khi tiếp thu ý kiến từ người dân và khách thập phương, thành phố quyết định chỉ đạo đơn vị thực hiện trùng tu Chùa Cầu là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An xử lý lại màu nhạt hơn so với màu đỏ phía trước và sau Chùa Cầu, còn bên hông sẽ sơn lại màu sẫm hơn so với màu trắng hiện tại.
Được biết, từ ngày 25/7, đơn vị thi công tháo dỡ toàn bộ phần nhà bao che bằng khung sắt và mái tôn nên người dân và khách thập phương dễ dàng chiêm ngưỡng toàn cảnh di tích Chùa Cầu sau 1,5 năm trùng tu.
Diện mạo mới của Chùa Cầu sau lần đại trùng tu nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Trong đó, nhiều người cho rằng việc trùng tu, đặc biệt màu sơn, đã làm mất đi vẻ đẹp cổ kính của công trình được coi là biểu tượng của đô thị cổ Hội An, khiến di tích trở nên lạ lẫm so với trước đây.
Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An - khẳng định trùng tu có nguyên tắc của trùng tu, đặc biệt là màu sắc di tích.
Theo ông Ngọc, màu tường hay màu ngói hiện nay được dựa theo màu sắc gốc của Chùa Cầu để phục hồi.
“Màu sắc trước trùng tu là màu của gần 20 năm phai nhạt theo thời gian và chưa được sơn phết. Còn bây giờ chúng ta thấy đậm hơn là do màu gốc như vậy. Đây là quét vôi chứ không phải sơn vôi, nên theo thời gian nó sẽ phai màu rất nhanh. Ngày 3/8 tới, chúng tôi sẽ xuất bản cuốn sách ghi chép lại tất cả quá trình nghiên cứu, trùng tu để mọi người hiểu”, ông Ngọc phân tích.
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP. Hội An bố trí 50%. Dự án do UBND TP. Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn.
Việc tu bổ Chùa Cầu tập trung vào 3 nội dung chính: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm.
Dự án này được khởi công ngày 28/12/2022, trong quá trình tu bổ được tiếp tục tham vấn kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng; đồng thời được UBND tỉnh gia hạn thời gian thi công tu bổ công trình bởi tính chất quan trọng của di tích này khi Chùa Cầu được xem là biểu tượng của đô thị cổ Hội An.
Theo lãnh đạo thành phố Hội An, Chùa Cầu là di tích quốc gia đặc biệt, là biểu tượng của quan hệ giao lưu Việt Nam – Nhật Bản.
Sau hơn 400 năm tồn tại, di tích này đã qua 7 lần trùng tu, lần gần nhất là vào năm 1986, nhưng lúc bấy giờ trong điều kiện ngân sách còn khó khăn nên việc trùng tu chưa đảm bảo yếu tố vững bền. Vì vậy, gần đây, di tích xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ hệ thống cấu kiện, dầm, sàn bên dưới mục ruỗng, móng lún nứt, các cấu kiện giữa chùa với cầu không liên kết nhau dẫn đến nguy cơ cao sụp đổ di tích, ảnh hưởng an toàn khách tham quan.
Do đó, Bộ Văn hóa - Thể thao, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An quyết tâm trùng tu di tích này.
Hoàng Hữu Quyết