Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Cần bảo đảm an toàn thông tin cá nhân cho người mua bảo hiểm
Đánh giá cao sự tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong việc sửa đổi, chỉnh lý dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu rõ, trong thực tế, dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định rõ thời hạn thực hiện thủ tục hành chính, nhất là thời hạn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải trả lời cho doanh nghiệp.
Đối với quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ kinh doanh bảo hiểm, đại biểu đề nghị làm rõ mục tiêu của việc xây dựng cơ sở dữ liệu, cân nhắc kỹ lưỡng mục tiêu phục vụ kinh doanh bảo hiểm để đảm bảo sự an toàn thông tin cá nhân của người tham gia bảo hiểm. Đồng thời, cần làm rõ thẩm quyền truy cập cơ sở dữ liệu, đảm bảo thống nhất với quy định trong Điều 38 của Bộ luật Dân sự; bổ sung nguyên tắc các thông tin của người mua bảo hiểm phải không mang tính định danh cá nhân.
Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài kinh doanh bất động sản
Luật Kinh doanh bảo hiểm là dự án luật có chuyên môn sâu, phức tạp và có tác động đến nhiều đối tượng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo đảm hài hòa quyền, trách nhiệm giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thuận lợi quản lý nhà nước tạo điều kiện phát triển bền vững thị trường bảo hiểm.
Nêu rõ, Điều 4 dự thảo Luật giải thích tới 30 thuật ngữ khác nhau nhưng thứ tự các thuật ngữ được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái nên rất khó theo dõi, đại biểu đề nghị sắp xếp lại thứ tự các khoản của Điều 4 để thuận tiện cho quá trình sử dụng.
Đại biểu đề nghị rà soát lại các điều kiện đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, trường hợp cần thiết thì thiết kế điều luật riêng quy định về điều kiện trước khi chính thức hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm để bảo đảm rõ ràng.
Về khả năng thanh toán và an toàn tài chính quy định tại Điều 92 và Điều 93 của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng quy định tại 2 điều này có điểm trùng lặp, cùng đề cập đến tỷ lệ an toàn vốn nhưng lại không rõ mối quan hệ giữa khả năng thanh toán và an toàn tài chính là như thế nào. Do đó, đại biểu đề nghị quy định rõ mối quan hệ giữa 02 nội dung này.
Tán thành với quy định không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài kinh doanh bất động sản, song đại biểu Phạm Thị Kiều cũng đề nghị cần bổ sung, làm rõ doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài có được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp là công ty con để kinh doanh bất động sản không? Nếu có thì có giới hạn tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài không?
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu: Cần giải thích rõ về “sự kiện bất khả kháng”, “trở ngại khách quan” trong luật
Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm có tác động lớn đến nhiều đối tượng cần được xây dựng chặt chẽ hơn, hướng đến sự hoàn thiện dự án Luật để có thể đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo điều kiện để thị trường kinh doanh bảo hiểm phát triển bền vững cùng với sự đảm bảo hài hòa giữa quyền và lợi ích của các bên có liên quan, phù hợp với các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế, góp phần hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Tại khoản 22, Điều 4 giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung loại hình bảo hiểm vi mô vào khoản 1, Điều 7 dự thảo Luật và được xem là một trong các loại hình của bảo hiểm để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng đối với loại hình bảo hiểm vi mô.
Tại khoản 3, Điều 19 dự thảo Luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, Dự thảo chưa quy định rõ nội dung “sự kiện bất khả kháng” hoặc “trở ngại khách quan” trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc sự kiện xảy ra. Đồng thời tại Khoản 1, Điều 30 về thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường trả tiền bảo hiểm, dự thảo Luật quy định thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời gian nộp hồ sơ bồi thường và trả tiền bảo hiểm.
Vì vậy, để đảm bảo tính chặt chẽ, tính thống nhất giữa các quy định cũng như dễ áp dụng khi luật được Quốc hội thông qua, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị xem xét, bổ sung phần giải thích từ ngữ, Điều 4 của dự thảo Luật quy định về sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan và điều chỉnh thống nhất nội dung của khoản 3, Điều 19 và khoản 1, Điều 303.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định trách nhiệm trả chi phí thuê giám định viên độc lập. Trong trường hợp phát sinh việc yêu cầu giám định theo hướng bên nào yêu cầu giám định thì bên đó phải trả các chi phí và một số chi phí phát sinh nếu có.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Quy định rõ trách nhiệm, hậu quả pháp lý của hành vi gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật của bên mua
Đưa ra ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy đề xuất dự thảo Luật cần quy định rõ thế nào là thông đồng gian dối thông tin của người mua bảo hiểm. Vì xác định được các hình thức, biểu hiện cụ thể của thông đồng và các quy định cụ thể của Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ làm cơ sở quan trọng để xác định trách nhiệm của người bán, bên kinh doanh bảo hiểm và các cơ quan hữu quan trong hành vi gian dối thông tin của người mua bảo hiểm.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm, hậu quả pháp lý cụ thể của mỗi bên đối với các hành vi gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật của bên mua bảo hiểm, nhưng có sự thông đồng, giúp sức của bên bán bảo hiểm.
Đại biểu cũng cho rằng cần có sự tính toán tăng chế tài đối với bên kinh doanh bảo hiểm có hành vi gian lận, đặc biệt trong bối cảnh các hành vi gian lận đang gia tăng về số lượng trên thị trường.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần có quy định về vấn đề liên thông khai báo thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm, xây dựng hệ thống dữ liệu chung cho ngành kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên giải pháp này cần đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của khách hàng, tránh làm ảnh hưởng quyền lợi của người mua khi bên kinh doanh bảo hiểm có sự liên thông về thông tin.
Và nhiều ý kiến khác nữa...
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung Phiên họp:
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao trách nhiệm, tính chủ động, sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, sự tham gia tích cực của các cơ quan hữu quan trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, giải trình. Cơ bản các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với báo cáo chỉnh lý, giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Đối với hai vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án để đại biểu Quốc hội thảo luận, Đoàn Chủ tịch thấy còn một số ý kiến khác nhau, cho nên đề nghị các đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản với hai vấn đề này.
Vì đây là một luật có tính chuyên môn cao, khó, phức tạp cả về khái niệm, phạm vi tác động đến nhiều đối tượng, dễ có cách hiểu khác nhau. Do đó Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan chuyên môn tổng hợp đầy đủ các vị đại biểu Quốc hội và tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý thấu đáo, đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua trong chương trình kỳ họp.
Q.N (t/h)