THCL Vốn bị chiếm dụng ngày càng nhiều, nợ khó đòi gia tăng phi mã, tốc độ gia tăng giá trị vốn thụt lùi… là những sai phạm, yếu kém đang xảy ra tại Tổng công ty CN Xi măng Việt Nam (Vicem).
Theo Kết luận thanh tra số 402-KL-TTr ngày 14/10/2016 của Bộ Xây dựng, qua quá trình thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phòng chống tham nhũng và các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Bộ Xây dựng, Cơ quan Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm, yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục, kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác điều hành, quản lý.
Qua thanh tra, phát hiện các khoản công nợ phải thu tại đơn vị thành viên Vicem lên tới hơn 4.000 tỷ đồng
Theo đó, tính đến hết 31/12/2015, số công nợ phải thu của 20 công ty trực thuộc Vicem còn tới hơn 937 tỷ đồng. Mặc dù, trong quá trình thanh tra, toàn bộ 20 công ty trực thuộc Vicem được thanh tra đã phải khắc phục hơn 326 tỷ đồng nộp các khoản thuế nợ vào ngân sách nhà nước, đồng thời khắc phục, giảm các khoản công nợ phải thu lên tới 3.121 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra cũng cho thấy, các khoản phải thu tại 12 công ty trực thuộc Vicem ngày càng gia tăng. “Điều này chứng tỏ vốn của các công ty này ngày càng bị chiếm dụng lớn”, theo Kết luận thanh tra.
Ngoài ra, quá trình thanh tra, đã phát hiện có 5 công ty thuộc Vicem không đảm bảo khả năng thanh toán nợ ngắn hạn.
Đáng chú ý, 10 công ty trực thuộc có tốc độ gia tăng vốn… thụt lùi. Tiêu biểu như: Công ty mẹ - Vicem, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hải Vân…
Bên cạnh đó, nhiều sai phạm tại các đơn vị trực thuộc của Vicem, cũng được Thanh tra Bộ Xây dựng làm rõ, yêu cầu xử lý.
Tại Vicem Hoàng Mai, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra và yêu cầu công ty phải có biện pháp thu hồi 23 khoản nợ phải thu đã quá hạn. Trường hợp không có khả năng thu hồi, yêu cầu Vicem chỉ đạo người đại diện phần vốn phối hợp với Hội đồng quản trị công ty kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan.
Cùng đó, Vicem Hoàng Mai có trách nhiệm thực hiện thoái vốn và thu hồi đủ vốn đã đầu tư vào 4 dự án là 7 tỷ đồng, gồm: Dự án Tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại Vinh, Dự án Khu đô thị Vicem Hoàng Mai, Dự án Khu nhà ở cán bộ, công nhân viên Quỳnh Vinh và Dự án Khu nhà ở chuyên gia Đông Hồi.
Vicem Hoàng Mai phải rút kinh nghiệm về sai sót trong việc thực hiện 2 dự án nhà lưu trữ hồ sơ tài liệu và dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật dây chuyền sản xuất đá vật liệu xây dựng từ đá phi nguyên liệu xi măng mỏ đá vôi Hoàng Mai B.
Hai công ty khác là Vicem Hải Phòng và Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn phải tái cơ cấu các khoản đầu tư tại những đơn vị không đạt hiệu quả hoặc hiệu quả quá thấp so với vốn đã đầu tư.
Riêng Đối với Xi măng Hà Tiên 1, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu công ty kiểm điểm và rút kinh nghiệm việc không khảo sát giá thuê kho bãi trước khi ký phụ lục hợp đồng với đơn vị khác và ký hợp đồng vận chuyển tàu biển không đầy đủ quy trình chào hàng cạnh tranh.
Từ đó, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu Vicem phải có biện pháp đảm bảo tốc độ gia tăng giá trị vốn năm sau luôn cao hơn năm trước.
Kết luận số 402-KL-TTr ngày 14/10/2016 của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ nhiều sai phạm, yếu kém tại Tổng Công ty CN Xi măng Việt Nam
Đồng thời, Bộ yêu cầu các công ty thực hiện quyết toán ngay các khoản tạm ứng, khoản trả trước cho người bán, thực hiện thu hồi các khoản phải thu theo đúng quy định để đảm bảo vốn cho sản xuất, kinh doanh, bảo toàn vốn nhà nước.
Vicem sở hữu 8 đơn vị thành viên, gồm Vicem Hải Phòng, Vicem Hoàng Mai, Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Bút Sơn, Vicem Hải Vân và Vicem Tam Điệp.
Hiện 5 doanh nghiệp thành viên của Vicem đã cổ phần hoá xong và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là Vicem Hoàng Mai, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hải Vân, Vicem Bút Sơn và Vicem Hà Tiên.
Vicem cũng được giao nhận lại 2 công ty xi măng thua lỗ là Xi măng Sông Thao (từ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD) và Xi măng Hạ Long (Từ Tổng công ty Sông Đà).
Được biết, khoản nợ của Xi măng Sông Thao khoảng 500 tỷ đồng và Xi măng Hạ Long khoảng 3.000 tỷ đồng.
Dù sở hữu nguồn lực tài chính “khủng khiếp” với vốn chủ sở hữu lên tới gần 13.000 tỷ đồng, nhưng Vicem chỉ tạo ra hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2015...
Trước đó, năm 2014, Kết luận thanh tra số 373/KL-TTr ngày 24/12/2014 của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác điều hành, quản lý kinh tế tại Tổng công ty Vicem Việt Nam, như: Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị là Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn, Công ty CP Xi măng Vicem Bỉm Sơn ký hợp đồng thuê gia công xi măng rời với Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp. Những công ty này có thời điểm không tiêu thụ hết xi măng rời, phải dừng sản xuất, nhưng lại phải đi mua xi măng từ nơi khác đem về theo sự chỉ đạo của Tổng công ty Vicem Việt Nam… |
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tuấn Ngọc