VICEM bất ngờ muốn bán tòa tháp Vicem Tower ‘đắp chiếu’ gần 10 năm - Hình 1

Đến nay, dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) mới chỉ xây xong phần thô và “đắp chiếu” suốt 8 năm (Ảnh: Thu Trang)

Cụ thể, mới đây Tổng VICEM đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc triển khai chuyển nhượng dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM, nằm ở đoạn giao đường Phạm Hùng và Dương Đình Nghệ, thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Lý do của việc chuyển nhượng được VICEM đưa ra là do trong khi lập, phê duyệt dự án đã không đánh giá đúng giá cho thuê văn phòng thị trường Hà Nội (giá thuê lập 45-50 USD/tháng nhưng giá tham khảo cùng thời điểm chỉ 28 USD/tháng). Do đó, nếu dự án tiếp tục thực hiện sẽ không đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Do đó, nếu dự án tiếp tục thực hiện sẽ không đảm bảo hiệu quả đầu tư. Mặt khác, theo chủ trương của Chính phủ, việc đầu tư ra ngoài ngành doanh nghiệp phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, và DNNN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Theo VICEM cho biết từ năm 2016 đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về chủ trương tìm nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chủ trương thoái vốn lĩnh vực ngoài ngành. Chủ trương này cũng được cơ quan quản lý như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đồng ý trên tinh thần bảo đảm nguyên tắc thị trường và thu lại lợi ích tối đa cho Nhà nước.

VICEM bất ngờ muốn bán tòa tháp Vicem Tower ‘đắp chiếu’ gần 10 năm - Hình 2

Dự án tọa lạc tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội), được thiết kế tòa nhà với 31 tầng nổi và 4 tầng hầm. Diện tích sử dụng là 8.500m2, diện tích xây dựng khoảng 2.800m2 với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại (Ảnh: Thu Trang)

Mới đây, cơ quan đại diện chủ sở hữu - Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản yêu cầu Vicem rà soát, cập nhật phương án xử lý nhà đất theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào phương án sắp xếp, xử lý nhà đất theo nghị định 167 của Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét bán trụ sở.

Theo đó, Vicem cũng đã báo cáo Bộ Xây dựng việc tìm nhà đầu tư mua lại trụ sở. Đồng thời Vicem cũng đã thuê Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam đánh giá, đề xuất phương án xử lý dự án. Trên cơ sở đó, Vicem đã đề xuất với Bộ Xây dựng phương án chuyển nhượng toàn bộ dự án, song trong văn bản này chưa đề cập đến giá bán kỳ vọng.

Được biết, dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem nằm tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, được thiết kế tòa nhà với 31 tầng nổi và 4 tầng hầm. Diện tích sử dụng là 8.500m2, diện tích xây dựng khoảng 2.800m2 với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại.

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.952 tỷ đồng, sau tăng lên 2.743 tỷ đồng (tức tăng thêm gần 800 tỷ đồng). Công trình được khởi công từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành sau ba năm, sau đó được lùi tiến thời gian hoàn thiện đến năm 2017.

Tuy nhiên, dự án mới hoàn thành thi công xây lắp toàn bộ kết cấu phần ngầm và phần thân công trình theo thiết kế, sau đó bị "đắp chiếu", suốt nhiều năm nay không triển khai thêm hạng mục nào. Chủ đầu tư cho biết hiện tổng chi phí đã rót vào dự án này vào khoảng 1.430 tỷ, bằng vốn tự có của doanh nghiệp.

VICEM bất ngờ muốn bán tòa tháp Vicem Tower ‘đắp chiếu’ gần 10 năm - Hình 3

Trước đó, "ông lớn"HUD cũng liên tục đưa ra phương án muốn bán toà bộ dự án HUD Tower để thu hồi vốn (Ảnh: Thu Trang)

Trước đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng liên tục đưa ra phương án muốn bán toà bộ dự án HUD Tower để thu hồi vốn. nhưng đến nay dự án vẫn chưa được chuyển nhượng.

Được biết, HUD Tower được xây dựng trên khu đất 6.500m2, có vị trí đắc địa góc ngã tư đường Lê Văn Lương (Hà Nội), tổng diện tích sàn khoảng 70.000m2. Đây là một trong những dự án nghìn tỷ được HUD đầu tư giai đoạn trước 2011 với tổng mức đầu tư được cho là 2.000 tỷ đồng.

Công trình có 3 tầng hầm đáp ứng đủ nhu cầu đỗ xe cho tòa nhà, phần nổi gồm hai khối nhà cao 32 tầng và 27 tầng với đầy đủ công năng thương mại, văn phòng gồm nhiều dịch vụ tiện ích cao cấp. Công trình được thiết kế bởi Công ty tư vấn KYTA Singapore.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vì thiếu vốn nên dư án này không thể hoàn thiện đúng kế hoạch, nhiều lần phải tạm dừng thi công. Đến nay, sau 8 năm thi công công trình mới đang bước vào hoàn thiện để khai thác sử dụng.

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng VICEM là một trong những doanh nghiệp chủ chốt trực thuộc quản lý của Bộ Xây dựng, nhưng vài năm gần đây Tổng công ty Công nghiệp Xi măng gặp không ít khó khăn khi nhiều công ty con liên tục làm ăn thua lỗ, cùng với đó là những sai phạm trong quá trình điều hành, dẫn đến việc thay đổi về nhân sự cấp cao.

Theo Báo cáo tài chính năm 2018 ghi nhận tổng doanh thu VICEM đạt 1.691 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.052 tỷ. Tuy nhiên, đơn vị này cũng phải đối mặt với các khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng từ các công ty con.

Cụ thể, VICEM Tam Điệp lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 khoảng 1.103 tỷ đồng, thuộc diện mất an toàn về tài chính. Ximăng Hạ Long và Ximăng Sông Thao cũng có hệ số nợ phải trả lớn hơn 3 lần vốn chủ sở hữu, thuộc diện mất an toàn về tài chính.

Trong đó, Ximăng Hạ Long lỗ lũy kế đến hết 2018 khoảng 3.580 tỷ đồng, Ximăng Sông Thao lỗ lũy kế 410 tỷ.

Tuấn Ngọc