Vicem: Nếu nhận Xi măng Quang Sơn quá trình IPO sẽ muộn hơn 2019 - Hình 1

Bộ Tài chính đề nghị Vicem chỉ đạo người đại diện vốn của Vicem tại các công ty con, công ty liên kết tăng cường phân tích, đánh giá kỹ các nguyên nhân chính và xây dựng phương án khắc phục khó khăn đối với một số công ty con có khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp;...

Dự kiến 2019 mới xong cổ phần hóa

Thực hiện Đề án tái cơ cấu Vicem giai đoạn 2013 - 2015 và kế hoạch cổ phần hóa của Bộ Xây dựng, Vicem đã hoàn thành công tác xác định giá trị tại thời điểm ngày 30/9/2014, nhưng thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao tiếp nhận Công ty CP Xi măng Hạ Long và Công ty CP Xi măng Sông Thao nên tiến độ thực hiện cổ phần hóa Vicem bị chậm lại.

Bộ Xây dựng đã thực hiện xác định lại giá trị doanh nghiệp công ty mẹ - Vicem tại thời điểm ngày 1/1/2017 theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Đến thời điểm ngày 1/1/2018, Bộ Xây dựng chưa công bố giá trị doanh nghiệp công ty mẹ - Vicem. Do đó, ngày 29/11/2017 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chỉ đạo Vicem khẩn trương thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng phương án cổ phẩn hóa doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đánh giá, đến nay đã là quý III/2018, việc cổ phần hóa Vicem dự kiến năm 2019 mới có thể hoàn thành. Để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương chỉ đạo thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Vicem; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của Công ty mẹ - Vicem tại thời điểm ngày 31/12/2017 do kế hoạch cổ phần hóa Vicem đã thay đổi và Chính phủ cũng đã đồng ý công ty mẹ - Vicem chưa phải nộp ngay khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ tại thời điểm ngày 31/12/2015.

Trao đổi với báo chí, đại diện Vicem cho hay: việc cổ phần hóa của Vicem sẽ được hoàn thành trong năm 2019, cũng theo vị này, tiến độ cổ phần hóa sẽ bị kéo dài hơn nếu Vicem tiếp tục “ôm” Xi măng Quang Sơn, theo đề xuất của Bộ Công Thương.

Vốn dĩ công tác IPO của Vicem đã được thực hiện trong năm 2015, nhưng do nhận trách nhiệm tái cơ cấu các doanh nghiệp ngành xi măng thua lỗ nên thời gian cổ phần hóa của Tổng công ty đã bị lùi lại và trì hoãn cho đến nay.

Chậm IPO do “ôm” 2 công ty thua lỗ

Vừa qua Bộ Tài chính đã phát đi công bố kết quả tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2017 của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.

Theo đó, tổng doanh thu của Vicem năm 2017 đạt 2.714 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2016, trong đó doanh thu hoạt động tài chính là 2.002 tỷ đồng; lợi nhuận thực hiện đạt 1.403 tỷ đồng (tăng 529% so với 2016).

Nguyên nhân chủ yếu là từ cổ tức, lợi nhuận được chia của hai công ty con hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả là Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 và một số công ty liên kết khác.

Tổng giá trị đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Vicem trong năm 2017 đạt 13/163 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đầu tư và lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là xi măng và clinker. Tổng giá trị cổ tức, lợi nhuận thu về là 1.914 tỷ đồng. Tỷ suất cổ tức, lợi nhuận được chia/tổng giá trị đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là 15%.

Bên cạnh một số khoản đầu tư có hiệu quả, báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết, một số khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Vicem hiệu quả thấp, không thoái được vốn như Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn, Hải Vân, Hoàng Mai,…

Vicem: Nếu nhận Xi măng Quang Sơn quá trình IPO sẽ muộn hơn 2019 - Hình 2Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao là một trong 2 cái tên được cho là nguyên nhân chính khiến Vicem chậm tiến trình cổ phần hóa

Một số công ty con của Vicem lỗ hoặc có số lỗ lũy kế lớn như Công ty Vicem Xi măng Tam Điệp, Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long, Sông Thao, Sông đà 12,….

Trong đó, Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý tới hai Công ty cổ phần gồm Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao.

Theo Bộ Tài chính, tại thời điểm ngày 31.12.2017, Xi măng Hạ Long có số lỗ lũy kế là 3.691 tỉ đồng dẫn tới âm vốn chủ sở hữu 2.229 tỉ đồng, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,09 cho thấy công ty bị mất cân đối và mất an toàn về tài chính, rất khó khăn trong việc cân đối dòng tiền để trả nợ trong những năm tiếp theo.

Đối với Xi măng Sông Thao, Vicem tiếp nhận về từ HUD, doanh thu năm 2017 đạt 832 tỉ đồng bằng 94% so với năm 2016, lợi nhuận 0,56 tỉ đồng. Tại thời điểm ngày 31.12.2017, vốn đầu tư của chủ sở hữu là 639 tỉ đồng nhưng do số lỗ lũy kế lớn 430 tỉ đồng nên vốn chủ sở hữu chỉ còn 209 tỉ đồng; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp 0,16 lần, công ty mất an toàn về tài chính.

2 đứa con nuôi làm vỡ kế hoạch IPO giờ ra sao?

Câu chuyện được dư luận đặc biệt quan tâm là tình hình tái cơ cấu 2 công ty thua lỗ, cụ thể: Công ty CP Xi măng Hạ Long (tiếp nhận từ Tổng công ty Sông Đà vào tháng 3/2016) và Công ty CP Xi măng Sông Thao (nhận lại từ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị vào tháng 6/2017) của Vicem. Đây cũng là hai “đứa con” làm vỡ kế hoạch cổ phần hóa của Vicem trong nhiều năm qua, kể từ khi kế hoạch này được thông qua năm 2014.

Vicem cho biết, việc tái cơ cấu hai doanh nghiệp trên tập trung vào 4 trọng tâm, gồm: tái cơ cấu quản trị, sản xuất, tiêu thụ và tài chính. Nỗ lực của Vicem bước đầu đã giúp những doanh nghiệp này có lãi trở lại và có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh.

Hiện tại, Vicem đã thực hiện tăng vốn điều lệ 2 lần cho Xi măng Hạ Long sau khi tiếp nhận doanh nghiệp này với số tiền là 960 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Hạ Long đã có lãi. Cụ thể, năm 2016 lãi 148,12 tỷ đồng. Năm 2017 báo lỗ 199,5 tỷ đồng nhưng là do ảnh hưởng của lỗ chênh lệch tỷ giá cuối kỳ là 312,15 tỷ đồng. Loại trừ khoản chênh lệch tỷ giá này thì hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Hạ Long ghi nhận lãi 112,65 tỷ đồng. Vicem dự kiến lợi nhuận trước thuế của Xi măng Hạ Long năm 2018 đạt 130 tỷ đồng (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ). Xi măng Hạ Long đã lần đầu tiên tự cân đối để trả nợ gốc và lãi các khoản vay nước ngoài là 853 tỷ đồng.

Đối với Xi măng Sông Thao, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2018 đạt 0,56 tỷ đồng và dự kiến năm 2018 đạt 30 tỷ đồng. Đến nay, Xi măng Sông Thao cũng đã trả được 96,8 tỷ đồng cho Quỹ tích lũy trả nợ thuộc Bộ Tài chính. Dự kiến, công ty này phải trả nốt số nợ còn lại 22,4 tỷ đồng trong năm 2018.

Được biết, vấn đề tồn đọng của 2 công ty này đã Bộ Tài chính cảnh báo nhiều lần, thậm chí đã được “đặt” lên cả nghị trường Quốc hội về tình trạng vỡ nợ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngân sách. Tồn đọng này đã tích tụ từ trước khi về với Vicem (xi măng Hạ Long được tiếp nhận từ Sông Đà vào tháng 3.2016 và Sông Thao được tiếp nhận từ Tổng công ty HUD vào tháng 6.2017).

Khánh Yên