DNTN Ngã Ba Cây Dương đã cung cấp hơn 100 tấn thức ăn nuôi cá chẽm cho Công ty Nam Thái trong 8 tháng . (Ảnh: PV)
Theo đó, tại Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm Số 250/QĐKNGĐT-VKS- KDTM (ngày 27/10/2020) của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đối với “Bản án KDTM sơ thẩm Số 04/2019/KDTM-ST ngày 10/5/2019 của Tòa án nhân dân TP. Cà Mau và Bản án KDTM phúc thẩm số 12/2019/KDTM-PT ngày 02/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP. HCM Quyết định: Kháng nghị Giám đốc thẩm đối với “Bản án KDTM sơ thẩm Số 04/2019/KDTM-ST ngày 10/5/2019 của Tòa án nhân dân TP. Cà Mau và Bản án KDTM phúc thẩm số 12/2019/KDTM-PT ngày 02/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau”; Đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án Cấp cao tại TP. HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ 2 bản án trên, chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền; Tạm đình chỉ thi hành đối với Bản án KDTM phúc thẩm số 12/2019/KDTM-PT ngày 02/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau cho đến khi có Quyết định giám đốc thẩm.
Liên tục trốn tránh nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận
Liên quan đến “Kỳ án” 100 tấn thức ăn nuôi cá tại Cà Mau, theo hồ sơ vụ án, ngày 25/11/2012, ông Nguyễn Việt Tân, Giám đốc Công ty Nam Thái, ký hợp đồng với DNTN Ngã Ba Cây Dương. Theo đó, DNTN Ngã Ba Cây Dương cung cấp thức ăn nuôi cá chẽm cho Công ty Nam Thái trong 8 tháng (thời gian thu hoạch cá).
Đến ngày 25/6/2013, Công ty Nam Thái nợ tiền mua thức ăn nuôi cá của DNTN Ngã Ba Cây Dương hơn 3,7 tỉ đồng nhưng không thu hoạch cá để trả theo thỏa thuận mà ký tiếp phụ lục hợp đồng với nội dung: Ngày 1/7/2013, Công ty Nam Thái phải tạm thanh toán cho DNTN Ngã Ba Cây Dương 200 triệu đồng; ngày 8/7/2013, thanh toán 300 triệu đồng và ngày 1/8/2013, thanh toán 1 tỉ đồng thì DNTN Ngã Ba Cây Dương sẽ cung cấp tiếp thức ăn nuôi cá cho Công ty Nam Thái đến ngày 30/8/2013 và Công ty Nam Thái sẽ thu hoạch cá bán rồi trả tiền cho DNTN Ngã Ba Cây Dương.
Ông Cao Văn Út bên những giấy tờ chứng minh Công ty Nam Thái và những người liên quan còn nợ ông hơn 4 tỷ đồng (tiền gốc). (Ảnh: PV)
Giữa tháng 8/2013, ông Cao Văn Út phát hiện Công ty Nam Thái lén lút thu hoạch cá nên tìm gặp ông Phạm Quốc Sử, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Thái và ông Nguyễn Việt Thương, người giữ ao nuôi, để nói chuyện. Trong cuộc gặp này, ông Sử đã thừa nhận toàn bộ số tiền thức ăn do ông Út đầu tư là hơn 4 tỉ đồng và sẽ chịu trách nhiệm về số nợ này. Hai bên thống nhất ngay sáng hôm sau sẽ cùng nhau đến ngân hàng mở tài khoản chung để chuyển tiền thu hoạch cá vào đây.
Tuy nhiên, sáng hôm sau, ông Sử và ông Thương đã không đến ngân hàng mở tài khoản chung mà vẫn tiếp tục thu hoạch cá. Nhận thấy Công ty Nam Thái có dấu hiệu gian dối để chiếm đoạt tài sản nên ngày 18/8/2013, ông Út làm đơn tố cáo đến Công an TP Cà Mau nhưng cơ quan này không thụ lý vì chưa tới ngày thỏa thuận trả tiền theo hợp đồng.
Qua ngày hôm sau, ông Út làm đơn nhờ chính quyền xã Hòa Tân giải quyết. Trong buổi hòa giải tại xã Hòa Tân, một lần nữa Công ty Nam Thái thừa nhận số tiền còn nợ DNTN Ngã Ba Cây Dương là hơn 4 tỉ đồng và tiếp tục cam kết sẽ mở tài khoản chung. Thế nhưng, sau khi bán cá, Công ty Nam Thái lại chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của ông Phạm Quốc Sử hơn 3 tỉ đồng; vào tài khoản của ông Nguyễn Việt Thương hơn 1 tỉ đồng (tiền bán 10 tấn cá tại vựa cá 5 Tuấn ở cảng cá Cà Mau). Ngoài ra, ông Thương còn trực tiếp nhận hơn 1,2 tỉ đồng tiền bán cá cho Công ty Lâm Sanh (TP.HCM).
Sau nhiều lần đòi nợ không thành, ngày 28/8/2013, ông Út gửi đơn khởi kiện đến TAND TP Cà Mau. Lúc này, ông Sử chỉ thừa nhận nợ của ông Út hơn 739 triệu đồng và đưa ra nhiều bằng chứng khẳng định từ tháng 3 đến tháng 6/2013, Công ty Nam Thái không mua thức ăn của DNTN Ngã Ba Cây Dương nữa mà mua cá phân của ông Lục Minh Đoàn ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) để cho cá ăn.
Trong lúc tòa án đang thụ lý vụ kiện thì ngày 11/9/2013, ông Sử rút khỏi công ty và sau đó không lâu thì doanh nghiệp này cũng giải thể. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, TAND TP Cà Mau chuyển hồ sơ sang công an.
Đình chỉ vụ án sau gần 1 năm điều tra
Cuối năm 2014, Công an tỉnh Cà Mau khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Nam Thái. Cơ quan điều tra xác định trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2013, Công ty Nam Thái liên tục mua thức ăn nuôi cá của DNTN Ngã Ba Cây Dương với số lượng hơn 100 tấn nhưng không thừa nhận điều này và khai gian dối việc mua cá phân của các đối tác khác. Cụ thể, Công ty Nam Thái lập chứng từ giả về việc mua cá phân của ông Lục Minh Đoàn và ông Trương Lê Duy để chối bỏ việc đã nhận thức ăn nuôi cá của DNTN Ngã Ba Cây Dương. Công ty Nam Thái đưa ra 9 hóa đơn thuế GTGT để khẳng định chỉ còn nợ 739 triệu đồng nhưng phiếu xuất hàng và biên nhận của DNTN Ngã Ba Cây Dương chứng minh Công ty Nam Thái còn nợ hơn 4 tỉ đồng. Toàn bộ phiếu xuất và biên nhận đều được Lê Quốc Huy và kế toán Nguyễn Hồng Cẩm ký.
Làm việc với cơ quan điều tra, bà Cẩm còn thừa nhận bị ông Sử chỉ đạo, sắp xếp khai không đúng sự thật với cơ quan điều tra nhằm chiếm đoạt hơn 3 tỉ đồng của DNTN Ngã Ba Cây Dương…
Từ những cơ sở nêu trên, Công an tỉnh Cà Mau đề nghị VKSND cùng cấp phê chuẩn quyết định khởi tố Phạm Quốc Sử, Nguyễn Việt Tân, Nguyễn Việt Thương, Lê Tứ Hải (phó chủ tịch HĐQT), Lê Quốc Huy và Lê Tú Anh (phó giám đốc). Tuy nhiên, VKSND tỉnh Cà Mau chỉ phê chuẩn khởi tố Lê Quốc Huy vào ngày 14/2/2015.
Do không chứng minh được Huy phạm tội nên ngày 15/10/2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau quyết định đình chỉ điều tra vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Nam Thái.
Một phần Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP.HCM về vụ án. (Ảnh: PV)
Nhận thấy quá trình điều tra, xét xử vụ án của các cơ quan chức năng tại tỉnh Cà Mau có những sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, giải quyết vụ án bằng pháp luật dân sự, không xem xét toàn diện chứng cứ có trong hồ sơ, không phù hợp với tình tiết khách quan, dẫn đến quyết định của bản án không thể thi hành án được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của đương sự,….
Vì các lẽ trên, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP.HCM ra Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm Số 250/QĐKNGĐT-VKS- KDTM (ngày 27/10/2020) đối với “Bản án KDTM sơ thẩm Số 04/2019/KDTM-ST ngày 10/5/2019 của Tòa án nhân dân TP. Cà Mau và Bản án KDTM phúc thẩm số 12/2019/KDTM-PT ngày 02/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau”.
“Kỳ án” 100 tấn thức ăn nuôi cá tại Cà Mau đã trải qua 4 lần sơ, phúc thẩm bằng các bản án: Bản án sơ thẩm (lần 1) Số 09/2018/KDTM-ST (ngày 22/6/2018) của Tòa án nhân dân TP. Cà Mau có nội dung tuyên chấp nhận một phần khởi kiện của ông Cao Văn Út, buộc Công ty Nam Thái phải trả cho ông Út số tiền hơn 6 tỷ đồng. Không chấp nhận một phần khởi kiện của ông Cao Văn Út với nội dung “buộc các thành viên của Công ty Nam Thái liên đới với Công ty trả cho ông Út với số tiền hơn 6 tỷ đồng; Bản án Phúc thẩm (lần 1) Số 10/2018/KDTM-PT (ngày 18/11/2018) của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau có nội dung hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Bản án sơ thẩm (lần 2) Số 04/2019/KDTM-ST ngày 10/5/2019 của Tòa án nhân dân TP. Cà Mau tuyên chấp nhận một phần khởi kiện của ông Cao Văn Út, buộc Công ty Thái Nam phải trả cho ông Út số tiền hơn 6,7 tỷ đồng. Không chấp nhận một phần khởi kiện của ông Cao Văn Út với nội dung “buộc các thành viên của Công ty Nam Thái liên đới với Công ty trả cho ông Út với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng; Bản án phúc thẩm (lần 2) Số 12/2019/KDTM-PT ngày 02/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau tuyên không chấp nhận kháng cáo của ông Cao Văn Út, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Hoàng Dương – Nguyễn Tùng