Tại AFF Cup 2018, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) lần đầu áp dụng thể thức mới. Theo đó, các đội cùng bảng sẽ bốc thăm để xác định 2 trận được thi đấu sân nhà, 2 trận phải thi đấu sân khách. Các vòng bán kết, chung kết tiếp tục áp dụng thể thức một trận sân nhà, một trận sân khách.

nhiều khả năng Việt Nam được chọn làm chủ nhà vòng bảngNhiều khả năng Việt Nam được chọn làm chủ nhà vòng bảng

Thể thức này nhằm lan tỏa giải đấu tới nhiều thành phố lớn, tạo cơ hội cho khán giả các nước Đông Nam Á có cơ hội trực tiếp tới sân thưởng thức bóng đá và cổ vũ đội nhà. Con số thống kê 752.945 lượt người vào xem các trận đấu mùa giải 2018 đã cho thấy sự thành công của thể thức này.

Ban tổ chức dự định sẽ tiếp tục áp dụng thể thức trên tại AFF Cup 2020, tuy nhiên sự xuất hiện của dịch Covid-19 làm dấy lên lo ngại về việc lây nhiễm nếu các đội bóng phải liên tục di chuyển qua nhiều quốc gia trong bối cảnh một số nước ở Đông Nam Á chưa khống chế được dịch.

Tình hình này buộc ban tổ chức phải tính đến thay đổi thể thức thi đấu, quay về thể thức cũ đó là chọn 2 quốc gia đăng cai 2 bảng đấu ở vòng bảng, sau đó duy trì thể thức sân nhà/sân khách từ vòng bán kết; hoặc tổ chức các trận đấu vòng bảng tại một quốc gia.

Đây là thể thức quen thuộc từng áp dụng các kỳ AFF Cup trước. Nếu áp dụng trở lại thể thức này, các đội sẽ không phải di chuyển nhiều, giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19, hạn chế nguy cơ giải bị hoãn giữa chừng (do có cầu thủ nhiễm Covid-19, hoặc quốc gia đăng cai không đảm bảo được các yêu cầu phòng dịch) và có thể hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Nếu quay trở lại thể thức thi đấu cũ, đương kim vô địch Việt Nam nhiều khả năng sẽ được chọn là chủ nhà vòng bảng nhờ hội tụ nhiều yếu tố ưu tiên như điều kiện an ninh, sân bãi, kinh nghiệm tổ chức và đặc biệt, Việt Nam hiện là quốc gia phòng, chống và kiểm soát dịch tốt nhất Đông Nam Á.

Hằng Vương